Phán quyết đồng nghĩa với việc ông Prayuth có thể tiếp tục nắm quyền. Quyết định của tòa án được đưa ra sau nhiều tháng xuất hiện lời kêu gọi phế truất ông.
Trước đó, theo tờ Bangkok Post (Thái Lan), các nghị sĩ đối lập của đảng Pheu Thai đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp thông qua Chủ tịch Quốc hội Chuan Leekpai vào ngày 9-3.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Ảnh: Reuters
Trong đơn, đảng Pheu Thai cáo buộc Thủ tướng Prayut vi phạm Điều 184 trong Hiến pháp Thái Lan khi tiếp tục sử dụng dinh thự của quân đội ở thủ đô Bangkok. Theo họ, Thủ tướng Prayut lẽ ra phải rời khỏi tòa nhà khi ông thôi giữ chức tư lệnh lục quân vào năm 2014. Việc ông tiếp tục ở lại đó miễn phí đã vi phạm các quy định của quân đội.
Sau khi dẫn đầu cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra (đảng Pheu Thai) vào ngày 22-5-2014, ông Prayut thôi chức tư lệnh lục quân vào ngày 30-9-2014 để giữ chức thủ tướng và tiếp tục đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.
Quân đội giải thích rằng ngôi nhà Thủ tướng Prayut đang ở không phải là "nhà phúc lợi" được cung cấp cho các quan chức cấp cao. Nó đã được chỉ định là "nhà khách" vào năm 2012. Quân đội Thái Lan viện dẫn vấn đề an ninh là lý do khiến ông Prayut cần phải sống bên trong các khu nhà quân đội.
Nhóm biểu tình Ratsadon (Phong trào Nhân dân) trước đó đã thông báo về một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa án Hiến pháp hôm 2-12. Phó cảnh sát trưởng của Bangkok, Piya Tawichai cho rằng bất kỳ cuộc biểu tình nào trong khuôn viên tòa án đều là bất hợp pháp. 3 đại đội cảnh sát đã được điều động đến bảo vệ bên ngoài tòa àn và các hàng rào sắt đã được dựng lên.
Bình luận (0)