Các chuyên gia cho biết Quốc hội Anh không đủ thẩm quyền chặn tiến trình Brexit (Anh rời EU). Tuy nhiên, phán quyết trên đồng nghĩa quá trình Brexit sẽ bị chậm lại. Các nhà lập pháp giờ đây có thể tác động đến những thỏa thuận giữa chính phủ Anh và EU về vấn đề Brexit.
Đài CNN nhận định phán quyết của Tòa án Tối cao là một thất bại đối với chính quyền London. Thủ tướng Theresa May muốn kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3-2017, có nghĩa là Anh sẽ rời khỏi EU 2 năm sau đó.
Nhưng bây giờ, tiến trình có thể bị chậm lại vì chính phủ phải đề xuất một dự luật để Quốc hội thông qua. Với khả năng nó sẽ được chỉnh sửa nhiều lần, thời gian biểu đề ra nói trên của bà May rất khó khả năng thành hiện thực.
Không có gì khó hiểu khi Chính phủ Anh bày tỏ sự thất vọng về phán quyết của tòa án và tuyên bố sẽ kháng cáo. Đã xuất hiện phỏng đoán vụ việc có thể được đưa ra Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). “Anh bỏ phiếu rời khỏi EU dựa trên một cuộc trưng cầu do Quốc hội phê chuẩn. Chính phủ sẽ quyết tâm tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu đó” – một phát ngôn viên Chính phủ Anh nói với đài CNN.
Các luật sư làm việc cho chính phủ lập luận bà May có thể gửi thông báo chính thức cho phía EU mà không cần tham vấn Quốc hội. Họ cũng cho rằng một số người đang cố gắng tẩy chay kết quả cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6, trong đó 52% người dân bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Anh nhấn mạnh chính phủ không có quyền ra thông báo tự kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, qua đó mở đường cho các cuộc đàm phán chính thức để Anh rời EU.
Đáp lại, bà May cáo buộc tòa án đang “cố gắng giết chết tiến trình Brexit bằng cách trì hoãn nó”. “Họ không muốn Brexit đi đúng hướng. Họ đang xúc phạm sự hiểu biết của người dân Anh” – bà May nói.
Bình luận (0)