Đúng với tiêu chí "làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu", tòa nhà của Khoa Thiết kế và Môi trường thuộc Trường ĐHQG Singapore sẽ tạo ra khoảng 500 MW năng lượng/năm, nhiều hơn một chút so với lượng năng lượng mà các giảng viên và sinh viên của khoa dự kiến sử dụng. Tòa nhà có mái che để tạo thêm bóng râm và giúp các căn phòng luôn mát mẻ.
Trưởng khoa Lam Khee Poh cho biết bao phủ mái nhà là hơn 1.200 tấm pin năng lượng mặt trời. Nếu dư thừa năng lượng, chúng sẽ được tải vào lưới điện chính của khoa - cũng là nguồn cung cấp dự phòng cho tòa nhà. "Bất cứ thứ gì thu thập được, chúng tôi đều "gửi ngân hàng", sau đó rút ra để sử dụng. Vì vậy, chúng tôi phải luôn tính toán có bao nhiêu "tiền" vào và ra mỗi ngày" - ông Lam ví von.
Singapore ra mắt tòa nhà “năng lượng bằng không” đầu tiên Ảnh: CNN
Tại khuôn viên Trường ĐHQG Singapore, mọi người cũng đang tìm cách giảm 40%-60% nhu cầu sử dụng năng lượng, nghĩa là họ cần phải thích nghi với nhu cầu sử dụng mới. Giảng viên và sinh viên chỉ được yêu cầu bật điều hòa khi thực sự cần thiết, thay vào đó dùng quạt trần và mở cửa ra vào và cửa sổ. Phát biểu về tòa nhà năng lượng bằng không nói trên, hiệu trưởng Tan Eng Chye mô tả đây là một "phòng thí nghiệm sống", đồng thời hy vọng nó sẽ truyền cảm hứng cho các tòa nhà hiệu suất cao trong tương lai cũng như các thiết kế phát triển bền vững ở Singapore và hơn thế nữa.
Theo ước tính của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới, chỉ có 500 tòa nhà thương mại năng lượng bằng không và 2.000 ngôi nhà năng lượng bằng không trên toàn thế giới vào năm 2017. Tổ chức phi lợi nhuận Architecture 2030 thống kê các tòa nhà chiếm gần 40% lượng khí thải nhà kính toàn cầu và sẽ cần nhiều giải pháp năng lượng tái tạo hơn để đáp ứng các mục tiêu theo quy định của Hiệp định Khí hậu Paris.
Trong khi đó, tổ chức phi lợi nhuận Viện Công trình Mới - chuyên hỗ trợ xây dựng các tòa nhà thương mại tiết kiệm năng lượng - đã chỉ ra một số tiến bộ. Kể từ năm 2010, số lượng tòa nhà năng lượng bằng không ở Mỹ và Canada đã tăng 7 lần.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số rào cản đối với những dự án kiểu này. Chẳng hạn tòa nhà của Trường ĐHQG Singapore từng bị các nhà nghiên cứu đại học và chính quyền địa phương không cho xây dựng vì vấn đề chi phí cách đây 10 năm. Ông Lam từ chối đề cập tới giá cả chi tiết nhưng chắc chắn đây là một con số không nhỏ.
Bình luận (0)