Với thông báo hôm 14-4 về quyết định rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11-9-2021, Tổng thống Joe Biden muốn điều chỉnh lại chương trình nghị sự toàn cầu của Washington.
Theo báo The Washington Post, ông chủ Nhà Trắng xem cuộc chiến kéo dài 20 năm tại Afghanistan đang cản trở chính sách đối phó với những mối đe dọa lớn hơn, như Trung Quốc, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19… Ngoài ra, ông Biden còn tập trung vào mối quan hệ căng thẳng với Nga và sự sụt giảm ảnh hưởng của Washington trên thế giới.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh quan điểm lâu nay của ông Biden là không có giải pháp quân sự cho tình hình Afghanistan và Mỹ đã tham chiến ở đó quá lâu. Vì thế, giờ là lúc Mỹ cần tập trung nguồn lực để chống lại nhiều thách thức đang đối mặt.
Hầu hết ưu tiên của ông Biden cho đến giờ đều đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, như đẩy mạnh kết nối với Liên minh châu Âu và NATO, tăng cường chỉ trích Nga, tái khởi động đàm phán với Iran… Dù vậy, trong trường hợp Afghanistan, cả hai ông đều theo đuổi cùng mục tiêu là ấn định thời điểm chấm dứt sự hiện diện quân sự tại quốc gia Nam Á này.
Ông Trump đã đặt ra thời hạn chót rút quân là ngày 1-5 trước khi Tổng thống Biden quyết định kéo dài nó. Điểm khác biệt chính là hoạt động rút quân sắp tới sẽ có sự điều phối chặt chẽ với các đồng minh NATO và đối tác.
Binh sĩ Mỹ tại một căn cứ ở TP Jalalabad - Afghanistan Ảnh: REUTERS
Nhiều chuyên gia hiện chia rẽ về việc liệu lợi ích từ quyết định gây tranh cãi trên có lớn hơn so với những rủi ro tiềm tàng liên quan đến an ninh của Afghanistan và cả khu vực hay không. Trước mắt, những ý kiến ủng hộ lập luận rằng bước đi này sẽ giúp chính quyền ông Biden tập trung nhiều hơn cho nỗ lực xử lý những vấn đề cấp thiết nhất lúc này, cũng như chuyển sự chú ý sang những điểm nóng khác trên thế giới, trong đó có châu Á.
Hai ngày sau khi đưa ra thông báo về Afghanistan, ông Biden dự kiến tiếp nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1-2021. Cuộc hội đàm giữa ông Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong ngày 16-4 tới sẽ tập trung thảo luận chuyện củng cố quan hệ song phương và những nội dung gai góc, như sự trỗi dậy của Trung Quốc, chương trình hạt nhân của Triều Tiên…
Đáng chú ý, những thách thức an ninh từ Trung Quốc được nêu bật trong báo cáo tình báo Mỹ thường niên công bố trước thềm cuộc gặp trên. Nội dung báo cáo dài 27 trang này tổng kết những phân tích tình báo nổi bật nhất từ 18 cơ quan khác nhau trong cộng đồng tình báo Mỹ.
Cụ thể, nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ. Báo cáo nhận định Bắc Kinh vẫn là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Washington trong lĩnh vực công nghệ, không gian, cũng như gián điệp và tấn công mạng.
Đáng lo hơn, Trung Quốc có thể "tiến hành các cuộc tấn công mạng", đe dọa làm gián đoạn tạm thời hoạt động của các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Mỹ.
Không dừng lại ở đó, theo báo cáo, Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu, cũng như gây chia rẽ giữa Washington và các đồng minh. Giới chức tình báo Mỹ tin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục tìm kiếm ảnh hưởng toàn cầu thông qua "ngoại giao vắc-xin Covid-19", cũng như tiếp tục bắt nạt các nước có liên quan đến tranh chấp ở biển Đông.
Nỗ lực bình thường hóa quan hệ Mỹ - Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13-4 đề xuất với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại một nước thứ ba "trong vài tháng tới" để bàn về một loạt vấn đề khiến quan hệ song phương căng thẳng.
Xuyên suốt cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã bày tỏ nỗi lo với sự hiện diện quân sự gia tăng đột ngột của Nga ở biên giới Ukraine và bán đảo Crimea, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Washington đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.
Mặc dù tái khẳng định mục tiêu xây dựng mối quan hệ song phương "ổn định", ông Biden tuyên bố Washington sẵn sàng hành động cứng rắn để bảo vệ lợi ích quốc gia và đáp trả các hành động bị cáo buộc của Moscow, như tấn công mạng, can thiệp bầu cử...
Trong khi đó, Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Biden đã bày tỏ mong muốn hai bên bình thường hóa quan hệ, hợp tác về kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân Iran, vấn đề Afghanistan và chống bi♠ến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Moscow không tiết lộ Tổng thống Putin hồi đáp thế nào về đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh của ông chủ Nhà Trắng.
Cũng trong ngày 13-4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo Moscow đã triển khai thêm quân đến biên giới phía Tây để tập trận nhằm kiểm tra năng lực sẵn sàng tác chiến và đối phó với điều ông gọi là hành động đe dọa quân sự của NATO. Ông Shoigu cáo buộc NATO đang điều động 40.000 binh sĩ và 15.000 khí tài quân sự đến gần biên giới Nga, chủ yếu ở biển Đen và khu vực Baltic.
Trong khi đó, theo Reuters, 2 tàu chiến Mỹ dự kiến đến biển Đen trong tuần này để phản ứng với điều mà giới chức nước này và NATO mô tả là sự hiện diện quy mô lớn chưa từng thấy của quân đội Nga gần biên giới Ukraine kể từ năm 2014. Gọi đây là một nước đi khiêu khích nhằm kiểm tra khả năng kiềm chế của Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo "Mỹ tốt hơn hết nên tránh xa Crimea và bờ biển Đen của Nga".
Cao Lực
Bình luận (0)