Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp đã điện đàm trong vòng 30 phút hôm 22-9 nhằm hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao, đồng ý khởi động các cuộc tham vấn để xây dựng lại lòng tin.
Thông báo chung của Mỹ và Pháp có đoạn: "Hai nhà lãnh đạo thống nhất rằng tình hình có thể cải thiện từ những cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về vấn đề lợi ích chiến lược với Pháp và những đối tác châu Âu của chúng tôi. Tổng thống Biden thể hiện cam kết không ngừng nghỉ về mặt này".
Thông báo chung cũng loại bỏ ý kiến cho rằng Mỹ coi nước Pháp là đối tác không đáng tin cậy trong nỗ lực kìm chân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tổng thống Joe Biden điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 22-9. Ảnh: Reuters
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết cuộc điện đàm diễn ra trong không khí thân thiện, bày tỏ hy vọng nó sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa hai nước. Bà Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden thừa nhận đáng lẽ cần những cuộc tham vấn sâu rộng hơn khi được hỏi liệu ông Biden có xin lỗi ông Macron hay không.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của Pháp và châu Âu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được công bố gần đây của Liên minh châu Âu (EU).
Ông Biden khẳng định Washington cũng nhận thấy tầm quan trọng của một nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ và có năng lực hơn để đóng góp tích cực vào an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu cũng như củng cố cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thư ký báo chí Nhà Trắng lưu ý rằng tuyên bố của Mỹ-Pháp "thừa nhận rằng lẽ ra cần có nhiều cuộc thảo luận hơn" trước khi thỏa thuận ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ (gọi tắt là thỏa thuận AUKUS) về tàu ngầm năng lượng hạt nhân được công bố.
Al Jazeera cho rằng cuộc điện đàm giữa ông Macron và ông Biden cho thấy rằng cả Mỹ lẫn Pháp đều muốn cải thiện mối quan hệ, xây dựng lại niềm tin vì lợi ích chung của hai nước. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người Pháp sẽ không tiếp tục "khó chịu" trong một thời gian nữa.
Trong tuần tới, Pháp đồng ý cử đại sứ trở lại Mỹ. Về phía Mỹ, Washington cam kết đẩy mạnh hỗ trợ Pháp và các đồng minh châu Âu trong chiến dịch chống khủng bố ở châu Phi. Hiện tại, Pháp vẫn chưa quyết định có cử đại sứ quay trở lại Úc hay không. Lãnh đạo Pháp và Úc chưa có điện đàm trao đổi.
Bình luận (0)