Trong bài phỏng vấn với báo Yomiuri (Nhật Bản) đăng ngày 23-3, ông Widodo nói: “Chúng ta cần hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương để phát triển kinh tế. Do đó, chúng tôi ủng hộ Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), đồng thời tổ chức đối thoại giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Tuy nhiên, phiên bản tiếng Nhật của bài phỏng vấn trên (đăng ngày 22-3), ông Widodo bác bỏ “đường 9 đoạn”, một trong những tuyên bố chủ quyền chính của Bắc Kinh trên biển Đông. “Đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra không có cơ sở theo luật pháp quốc tế” – ông nói.
Tổng thống Indonesia đưa ra phát biểu trên trong chuyến thăm Nhật Bản (từ ngày 22 đến 25-3). Sau Nhật Bản, ông tiếp tục đến Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên ông thể hiện quan điểm về vấn đề biển Đông kể từ khi nhậm chức tổng thống vào tháng 10 năm ngoái.
Với “đường 9 đoạn”, Trung Quốc ngang ngược đòi độc chiếm 90% trong tổng diện tích 3,5 triệu km2 của biển Đông, khu vực được đánh giá là giàu khí đốt cũng như có tuyến thương mại hàng hải trị giá khoảng 5.000 tỉ USD mỗi năm.
Cùng ngày 23-3, cố vấn chính sách đối ngoại của tổng thống Indonesia – ông Rizal Sukma – cho Reuters hay ông Widodo không bàn về tuyên bố chủ quyền nói chung của Trung Quốc trên biển Đông mà chỉ đề cập đến “đường 9 đoạn”. “Indonesia đã gửi quan điểm chính thức về biển Đông cho Ủy ban Phân định thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc vào năm 2009, theo đó khẳng định đường 9 đoạn không có cơ sở pháp lý” – ông Sukma nói.
Là quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia lâu nay vẫn tự xem mình là nhà trung gian hòa giải cho các tranh chấp trên biển Đông. Ông Sukma lặp lại quan điểm trên: “Indonesia sẵn sàng đóng vai trò một nhà trung gian hòa giải trung thực”.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong ngày 23-3, Tổng thống Widodo dự kiến ký một thỏa thuận quốc phòng. Đây là nỗ lực mới nhất của Nhật Bản để thắt chặt mối dây liên hệ an ninh với các nước Đông Nam Á, qua đó làm đối trọng với Trung Quốc.
Bình luận (0)