Được biết đến với cái tên ENA, ngôi trường này đã trở thành trung tâm đào tạo hành chính hàng đầu của Pháp và là con đường dẫn đến quyền lực trong khu vực công và tư nhân. Bốn tổng thống Pháp, bao gồm cả Tổng thống Macron, với hàng loạt bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp đã từng học tại trường này.
ENA được Tướng Charles de Gaulle thành lập vào tháng 10-1945 với ý tưởng phá vỡ sự nắm giữ của tầng lớp thượng lưu đối với các chức vụ cấp cao của Pháp, chấm dứt chế độ chuyên chế và làm cho nền hành chính trở nên dân chủ hơn.
Theo tổng thông Macron, trường hành chính ENA sẽ được thay thế bằng một cơ sở mới có tên là Học viện Dịch vụ Công (ISP). Tuy nhiên, các sinh viên tiềm năng vẫn sẽ được yêu cầu vượt qua một kỳ thi đầu vào khó khăn và tuân theo một giáo trình nghiên cứu cụ thể.
Cảnh trường ENA về đêm. Ảnh: The World University Ranking
Một thay đổi khác là những sinh viên tốt nghiệp xếp hạng cao nhất sẽ không còn được tự động tiếp cận các công việc hành chính tốt nhất, cho đến khi họ thể hiện được giá trị của mình trong các vai trò chính thức khác.
Một nguồn tin của Điện Elysée cho biết: "Quyết định này đặt dấu chấm hết cho công việc có biên chế để đời vốn tồn tại từ trước đến nay. Công chức sẽ không được phân công vĩnh viễn vào một chức năng, một cơ quan hay một ngành".
Một mục tiêu khác, nguồn tin của Điện Elysée cho biết thêm:"Nhà nước phải tiếp tục thu hút được những người tốt nhất".
Ban đầu trường được đặt tại thủ đô Paris nhưng sau đó đã chuyển đến TP Strasbourg, mặc dù trường vẫn giữ một cơ sở ở thủ đô.
Số lượng sinh viên của trường đến từ các gia đình đặc quyền là 45% trong những năm 1950 và 1960, con số này đã tăng lên khoảng 70% từ năm 2005 đến năm 2014. Trong khi tỉ lệ sinh viên từ các gia đình thuộc tầng lớp lao động giảm xuống còn khoảng 6%.
Quyết định đóng cửa ENA của Tổng thống Macron bắt nguồn từ sự phản đối của "phong trào áo vàng" - "Gilets Jaunes" - bắt đầu vào năm 2018. Nội dung phản đối cho rằng các nhà lãnh đạo của đất nước không gần gũi với người dân Pháp bình thường, đặc biệt là những người sống bên ngoài các thành phố.
Nội dung một bài phát biểu mà tổng thống chưa bao giờ đọc vì nó bị hoãn lại khi Nhà thờ Đức Bà bốc cháy, đã bị rò rỉ cho báo chí Pháp vào năm 2019. Trong đó,Tổng thống Macron nói: "Nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội bình đẳng về cơ hội cho các nhân tài thực sự của quốc gia, chúng ta phải đặt lại các quy định về tuyển dụng, nghề nghiệp và tiếp cận với các cấp trên của nền công vụ. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ thay đổi hệ thống đào tạo, tuyển chọn và phát triển nghề nghiệp bằng cách loại bỏ ENA và một số tổ chức khác".
Để đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập ENA, một nghiên cứu năm 2015 từ Trung tâm Khoa học Chính trị và Xã hội học Châu Âu nêu rõ: "Theo tính toán, lượng tuyển sinh đã không mang tính dân chủ trong suốt 70 năm qua".
Ông Peter Gumbel, một học giả người Anh, tuyên bố hệ thống grande école của Pháp và đặc biệt là ENA, có tác dụng duy trì một tầng lớp thống trị xuất chúng về trí tuệ nhưng lạc lõng.
Truyền thông Pháp đưa tin một trường học mới sẽ nhằm thu hút nhiều sinh viên đa dạng hơn về mặt xã hội, những người sẽ theo một khóa học tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống hiện đại, bao gồm các môn học như chủ nghĩa thế tục, nghèo đói, sinh thái và khoa học.
Các cựu sinh viên nổi tiếng của ENA
- Tổng thống: Valéry Giscard’Estaing, Jacques Chirac, François Hollande và Emmanuel Macron.
- Thủ tướng: Jean Castex, Édouard Philippe, Dominique de Villepin, Lionel Jospin, Laurent Fabius, Alain Juppé, Édouard Balladur, Michel Rocard.
- Bộ trưởng đương nhiệm: Florence Parly (Bộ trưởng Quốc phòng) và Bruno Le Maire (Bộ trưởng Tài chính).
- Lãnh đạo doanh nghiệp: Bernard Lathière (Airbus), Jean-Cyril Spinetta (CEO - Air France / KLM, Henri de Castries (AXA), Guillaume Pepy (SNCF), Stéphane Richard (France Telecom).
-Các nhân vật quốc tế: Pascal Lamy (cựu Ủy viên châu Âu, DG của WTO), Jean-Claude Trichet (cựu thống đốc Ngân hàng Pháp và Ngân hàng Trung ương châu Âu).
- Các nhà lãnh đạo nước ngoài: Nicéphore Soglo (Benin), Adly Mansour (Ai Cập), Paul Biya (Cameroon).
Bình luận (0)