Tổng thống Obama cho rằng dự án Keystone XL sẽ không đóng góp vào tăng trưởng kinh tế dài hạn hay làm giảm giá khí đốt. Ông cho rằng việc vận chuyển “dầu dơ” từ Canada sẽ không làm tăng an ninh năng lượng của Mỹ.
Bác bỏ dự án dự kiến vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu mỗi ngày của tập đoàn TransCanada sẽ gây khó khăn hơn cho các nhà sản xuất nhằm phát triển dầu cát của tỉnh Alberta - Canada. Tuy nhiên, quyết định trên lại có thể nâng cao vị thế của Mỹ tại cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu sẽ bắt đầu ở Paris - Pháp vào ngày 30-11.
Tổng thống Obama cho rằng dự án Keystone XL sẽ không đóng góp
vào tăng trưởng kinh tế dài hạn của Mỹ. Ảnh: REUTERS
Theo Ngoại trưởng John Kerry, việc chấp thuận dự án Keystone “sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng của Mỹ trong việc tiếp tục dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”. Trong khi đó, nhà vận động môi trường Bill McKibben vui mừng và gọi đây là một “chiến thắng lớn”.
Tân Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người ủng hộ dự án 8 tỉ USD này, tỏ ra thất vọng nhưng cho biết mối quan hệ Canada - Mỹ “quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ dự án nào”.
Keystone XL là vấn đề gây tranh cãi trên chính trường Mỹ nhiều năm liền. Nếu được thông qua, Keystone XL sẽ nối liền mạng lưới đường ống dẫn hiện hành tại Canada và Mỹ, chuyển dầu thô từ tỉnh Alberta và từ bang North Dakota - Mỹ tới các nhà máy lọc dầu ở bang Illinois và cuối cùng là bờ biển Vịnh Mexico.
Ban đầu, Tập đoàn TransCanada đề nghị Tổng thống Obama cho phép xuyên biên giới vào Mỹ từ năm 2008 song bị các nhà bảo vệ môi trường phản đối dữ dội, bất chấp việc TransCanada và các công ty dầu khí khác khẳng định Keystone XL sẽ tăng cường an toàn năng lượng của Bắc Mỹ, tạo ra hàng ngàn việc làm và giúp giảm lượng dầu dư thừa.
Bình luận (0)