Cuộc gặp dự kiến vào ngày 16-6 được bổ sung vào lịch trình chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Joe Biden kể từ sau khi nhậm chức. Trong đó, ông Biden sẽ đến Anh tham dự cuộc họp của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels.
Chương trình nghị sự dự kiến bao gồm cuộc thảo luận về hành động của Nga ở quốc gia láng giềng Ukraine, việc Belarus ép chuyển hướng chuyến bay thương mại, nỗ lực của cả hai quốc gia nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 và một số vấn đề khác.
Nga và Mỹ hiện căng thẳng nhiều vấn đề với hàng loạt cáo buộc nhằm vào nhau. Cuộc gặp thượng đỉnh nếu diễn ra sẽ là cơ hội để hai bên tìm tiếng nói chung và hạ nhiệt mối quan hệ vốn được đánh giá là xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh.
Ông Joe Biden gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đang là phó tổng thống Mỹ hồi năm 2011. Ảnh: AP
Tuy nhiên, Nhà Trắng không đặt kỳ vọng cao cho cuộc gặp. Theo hãng tin AP, cuộc gặp cấp cao trong tháng 6 không được kỳ vọng sẽ dẫn đến bất kỳ đột phá lớn nào chứ đừng nói đến việc thiết lập lại quan hệ Mỹ-Nga như từng được theo đuổi dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama hoặc ông Donald Trump.
Thay vào đó, các quan chức cho biết ông Biden đang tìm kiếm một số điểm chung với người đồng cấp Nga cho những vấn đề trước mắt. Về phần mình, Điện Kremlin cho biết ông Biden và ông Putin sẽ thảo luận về tình trạng hiện tại và triển vọng của quan hệ Nga-Mỹ, các vấn đề ổn định chiến lược và vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự quốc tế, gồm sự tương tác trong việc đối phó với đại dịch và giải quyết các xung đột trong khu vực.
Đội ngũ an ninh quốc gia của chính quyền ông Biden cũng đã tìm cách xoa dịu căng thẳng trước hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp người đồng cấp Nga vào tuần trước tại Iceland và đưa ra các lĩnh vực hợp tác, bao gồm chống đại dịch, chống biến đổi khí hậu và kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran.
Nhà Trắng đã nhiều lần cho biết họ đang tìm kiếm một mối quan hệ "ổn định và có thể đoán trước được" với Nga. Trước đó, Mỹ cũng đưa ra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái và cho rằng Điện Kremlin đứng sau chiến dịch tấn công mạng SolarWinds, trong đó tin tặc Nga xâm nhập vào hệ thống máy tính của ít nhất 9 cơ quan Mỹ.
Bình luận (0)