Phát biểu trên sóng truyền hình, ông Duterte khẳng định “đây không phải là thiết quân luật nhưng đòi hỏi nỗ lực của toàn quốc, nỗ lực chung tay của quân đội và cảnh sát”.
“Tôi có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Tôi có nhiệm vụ giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Sẽ có nhiều trạm kiểm tra an ninh nghiêm ngặt” – Tổng thống Duterte nhấn mạnh.
Khoảng 4 giờ sáng 3-9, ông Duterte đã viếng thăm khu chợ đêm ở thành phố Davao, nơi xảy ra vụ nổ trước đó khiến 14 người chết và 67 người bị thương, theo báo cáo mới nhất của cảnh sát.
Bộ Nội Vụ Philippines cùng ngày cho biết nhóm Abu Sayyaf - vốn đã tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ nổ này.
Tổng thống Duterte tuyên bố mạnh tay trong cuộc chiến chống khủng bố, tội phạm ma tuý. Ảnh: Reuters
“Đây không phải là lần đầu Davao bị tấn công bạo lực” – ông Duterte nói thêm, đồng thời trích dẫn những vụ tấn công khủng bố khác trong quá khứ.
Theo tân tổng thống Philippines, đây là vấn đề của cảnh sát chứ “không phải là một cuộc chiến tranh”. Ông tuyên bố những vụ tấn công khủng bố tương tự xảy ra là do Davao “không phải là một nhà nước phát xít”.
“Mọi người đều có thể đến và rời khỏi Davao. Davao an toàn, chẳng có tội phạm nào ngoài khủng bố” – Tổng thống Duterte khẳng định, đồng thời yêu cầu cảnh sát và binh lính tiếp tục tìm kiếm thủ phạm và thiết lập nhiều trạm kiểm soát trong thành phố. “Chính phủ ở bên cạnh bạn. Chúng tôi sẽ bảo vệ mọi người” – Tổng thống Duterte trấn an người dân Davao.
Tình trạng vô luật là gì?
Chính quyền Philippines hôm 3-9 đã có tuyên bố giải thích những thắc mắc sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố “tình trạng vô luật” trên cả nước sau vụ nổ chết chóc tại TP Davao khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và 67 người khác bị thương.
Người phát ngôn tổng thống Ernesto Abella nói rằng tuyên bố của ông Duterte bắt nguồn từ Khoản 18 trong Điều VII của Hiến pháp. Theo đó, các tổng thống trong vai trò tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines có thể kêu gọi các lực lượng vũ trang ngăn chặn hoặc diệt trừ bạo lực vô luật, xâm nhập hoặc nổi loạn nếu cần.
Trong trường hợp này, tổng thống sẽ kêu gọi quân đội diệt trừ bạo lực vô luật.
Theo lời ông Abella trường hợp này khác với khi đối phó với một cuộc xâm chiếm hay nổi loạn. “Chỉ khi xảy ra xâm lược hay nổi loạn, và khi cần đảm bảo an toàn của người dân, ông Duterte mới có thể ban bố thiết quân luật”- ông Abella nói thêm.
Bình luận (0)