Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, cho biết đã đến lúc Philippines tự lực cánh sinh. "Chúng tôi sẽ tự củng cố mảng quốc phòng và không dựa vào bất kỳ nước nào khác" - trích lời ông Panelo.
Mối quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Mỹ bắt đầu từ đầu những năm 1950 và được kiểm soát bởi Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng (MTD) cùng với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA). Hiệp ước VFA, ký năm 1998, cho phép hàng ngàn binh lính Mỹ tới Philippines thực hiện các cuộc tập trận quân sự và hoạt động hỗ trợ nhân đạo, trong đó có nhiều hoạt động diễn ra thường niên.
Tổng thống Duterte đưa ra quyết định trên sau khi cựu cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa, người chỉ huy chiến dịch truy quét tội phạm ma túy, nói thị thực Mỹ của ông bị hủy bỏ vì vấn đề liên quan đến việc giam giữ một thượng nghị sĩ thường xuyên chỉ trích ông Duterte.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Đây là lần đầu tiên ông Duterte hủy bỏ một thỏa thuận với Mỹ sau khi liên tục cáo buộc Washington "đạo đức giả" và đối xử với Philippines như "một con chó bị xích" trong suốt 3 năm làm tổng thống.
Trước đó, trong một bài phát biểu vào ngày 10-2, ông Duterte còn tiết lộ vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được cất giữ tại Philippines. Ngoài ra, tổng thống Philippines cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ khiến Manila trở thành một mục tiêu xâm lược tiềm năng.
Trong buổi điều trần ở Thượng viện Philippines tuần trước, các quan chức quốc phòng và ngoại giao của ông Duterte còn ủng hộ VFA và nói rằng hiệp ước này có nhiều lợi ích.
Theo lời ông Duterte, ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng mong ông đổi ý. "Ông Trump và những người khác đã cố gắng cứu vãn VFA. Tôi trả lời rằng tôi không muốn" - trích lời ông Duterte
Bình luận (0)