Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông, nhà lãnh đạo Philippines tỏ ra thờ ơ trước phán quyết này.
Hôm 24-8, ông giải thích Manila không phản ứng mạnh bởi muốn chờ đợi một thời gian nữa để “phán xét”, đồng thời cho biết thêm quân đội Philippines chưa đủ mạnh để phát động một cuộc chiến tranh.
Tổng thống Duterte còn nhấn mạnh ông sẽ “chống lại bất kỳ ai chiếm bãi cạn Scarborough” của nước mình. “Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ đối xử với chúng tôi một cách có thiện ý. Chúng tôi không xoáy vào phán quyết của tòa trọng tài. Tôi biết họ đang nghe ngóng chúng tôi, có thể theo dõi chúng tôi thông qua vệ tinh” – tổng thống Duterte phát biểu trong chuyến thăm trại quân sự Capinpin ở TP Tanay, tỉnh Rizal.
Ngoài ra, ông chủ Điện Malacañang tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc chiến đẫm máu với Trung Quốc nếu họ nhất quyết muốn chiếm bãi cạn Scarborough. “Chúng tôi không cho phép bất cứ nước nào lừa phỉnh chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra” – ông Duterte nhấn mạnh.
Vào tháng này, nhà lãnh đạo Philippines cử đặc phái viên Fidel Ramos tới Hồng Kông để tham dự cuộc họp phá băng quan hệ với bà Fu Ying, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc. Hôm 23-8, ông Duterte hy vọng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Bắc Kinh trong năm nay.
Cùng ngày 24-8, Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động xâm phạm ở biển Hoa Đông sau khi tàu Trung Quốc bị cáo buộc tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo tuyên bố chủ quyền.
Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói với phóng viên: “Tôi đã mạnh mẽ yêu cầu ông ấy không làm phức tạp tình hình, ngăn chặn hành động xâm phạm và cải thiện môi trường hàng hải chung ở biển Hoa Đông”.
Ông Kishida dẫn lời ông Vương cho biết Bắc Kinh sẽ kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng vụ việc bị phía Nhật Bản thổi phồng và “tình hình bây giờ đã trở lại bình thường”.
Trước đó, kể từ ngày 5-8, Nhật Bản hơn 20 lần kiến nghị thông qua các kênh ngoại giao việc tàu cá Trung Quốc được tàu hải cảnh hộ tống liên tục xâm nhập vùng tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku. Có lúc, Tokyo cho biết có đến hơn 200 tàu cá Trung Quốc hoạt động gần quần đảo.
Bình luận (0)