Theo giới phân tích, có một số lý do để giải thích việc nhà lãnh đạo Nga đi nước cờ trên lúc này.
Trước hết, Nga xem như đã đạt được một số mục tiêu tức thì, dù không được công khai, ở Syria. Thực tế là chiến dịch quân sự của Nga ở Syria, bắt đầu từ ngày 30-9-2015, đã giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad thoát khỏi nguy cơ bị lật đổ, ít ra là cho đến lúc này.
Kết quả này cũng đủ giúp quân đội Nga tiếp tục duy trì hiện diện ở Syria nói riêng, và Địa Trung Hải nói chung. Không những thế, nó còn giúp Nga có một chỗ trong bàn đàm phán về tương lai của Syria, từ đó bảo đảm những lợi ích của mình không bị bỏ qua trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình cuối cùng nào.
Không quân Nga ở Syria bắt đầu những chuẩn bị cho việc rút quân khỏi đó. Ảnh: Sputnik
Trong bối cảnh vòng đàm phán mới nhất nhằm tìm giải pháp cho Syria đang diễn ra ở Geneva, hành động rút quân thể hiện Moscow không chỉ nói suông trong việc sẵn sàng duy trì tiến trình hòa bình còn mong manh này.
Hơn nữa, điện Kremlin còn muốn gửi thông điệp đến Tổng thống Assad rằng sự hỗ trợ của Nga không phải là vô hạn và nhà lãnh đạo này cần phải tìm được tiếng nói chung với phe nổi dậy hoặc chiến đấu một mình.
Quan trọng hơn cả, theo một số phân tích, Nga nhận thấy cái giá của "cuộc phiêu lưu" ở Syria đang lớn hơn những lợi ích nhận được.
Giữa lúc kinh tế gặp khó khăn vì giá dầu xuống thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga có thể không muốn, hoặc không còn khả năng tài chính, tiếp tục can dự vào cuộc chiến đắt đỏ này (ước tính tốn của Moscow khoảng 4 triệu USD / ngày)
Hơn nữa, ông Putin vẫn chưa đạt được 2 mục tiêu công khai: giúp chế độ Tổng thống Assad giành chiến thắng về mặt quân sự trong cuộc nội chiến, và dẫn đầu một liên minh toàn cầu nhằm chống lại những phần tử cực đoan ở Syria.
Một liên minh toàn cầu như thế, được ông Putin kêu gọi trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc năm ngoái, không chỉ bảo đảm duy trì những lợi ích của Nga ở Syria mà còn chấm dứt sự cô lập của phương Tây.
Dù vậy, ông Assad hiện vẫn chưa thể chiến thắng và Moscow tiếp tục bị phương Tây cô lập. Vì thế, động thái rút quân khỏi Syria cũng có thể được xem là một "sự thừa nhận thất bại".
Bình luận (0)