Đó là chia sẻ của ông Putin trong cuộc họp báo sau gần 4 giờ hội đàm với người đồng cấp Mỹ. Khi được hỏi liệu cuộc gặp có giúp xây dựng lòng tin giữa các nhà lãnh đạo hay không, ông Putin tỏ ra triết lý: "Không có niềm vui nào trong cuộc sống. Chỉ có ảo ảnh phía chân trời, vì vậy chúng tôi sẽ trân trọng điều đó". Ông Putin nói thêm: "Nhưng tôi tin rằng có một tia hy vọng trong mắt ông Biden".
Nhà lãnh đạo Nga nói với các phóng viên rằng rất "khó nói" liệu cuộc gặp có làm thay đổi quan hệ giữa hai nước hay không và đổ lỗi cho Mỹ về bản chất đối nghịch của các mối quan hệ. Cả hai nhà lãnh đạo đều sử dụng những ngôn từ tích cực, thận trọng để mô tả cuộc hội đàm tại Geneva.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 16-6. Ảnh: AP
Tổng thống Putin nhận xét ông Biden là một đối tác có kinh nghiệm, có tính xây dựng, nói rằng cả 2 "có cùng tiếng nói". Ông Putin khẳng định trao đổi giữa hai bên "hiệu quả". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng thay vì tình hữu nghị, đó là một cuộc đối thoại "thực dụng về lợi ích của hai nước".
Tổng thống Putin cho rằng cuộc đối thoại mang tính xây dựng và không có thái độ thù địch, còn Tổng thống Mỹ khẳng định không gì có thể thay thế được các cuộc thảo luận trực tiếp. Tổng thống Biden nói với Tổng thống Putin rằng hai bên cần tuân thủ một số quy tắc cơ bản.
Hai bên cũng đồng ý đưa các đại sứ trở lại thủ đô của nhau sau lệnh triệu hồi vào đầu năm nay.
Tuy vậy, hai bên đã thể hiện sự khác biệt quan điểm trong nhiều vấn đề. Tổng thống Biden nói rằng Nga sẽ gánh chịu "hậu quả tàn khốc" nếu nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny đang bị bắt giữ bị chết hoặc các cuộc tấn công mạng tại Mỹ tiếp tục xảy ra. Mỹ đã yêu cầu Moscow ngăn chặn các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền mà Washington cho là do tin tặc Nga gây ra.
Tổng thống Biden hỏi ông Putin rằng ông sẽ cảm thấy thế nào nếu xảy ra một cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền nhằm vào hệ thống đường ống dẫn dầu của Nga. Câu hỏi này đã gợi nhắc lại vụ tấn công mạng nhằm vào đường ống dẫn của Mỹ vào tháng 5, gây gián đoạn nguồn cung tại bờ Đông nước Mỹ.
Ngoài an ninh mạng, ông Biden cho biết cuộc hội đàm dành rất nhiều thời gian cho vấn đề kiểm soát vũ khí. Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ cho biết họ sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm về sự ổn định hạt nhân, tổ chức các cuộc đàm phán về những thay đổi có thể xảy ra đối với hiệp ước hạn chế vũ khí New START vừa được gia hạn gần đây của 2 nước.
Theo trang Business Insider, nhìn chung, cả hai nhà lãnh đạo đều mô tả cuộc hội đàm là bước đầu tiên để có tiến bộ trong một loạt vấn đề khúc mắc giữa Mỹ và Nga. Cả hai cũng nói rõ rằng hội nghị thượng đỉnh không có cách nào đại biểu cho việc thiết lập lại hoàn toàn mối quan hệ song phương.
Bình luận (0)