Tổng thống Mỹ Joe Biden khép lại chuyến công du châu Âu với cuộc gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại TP Geneva - Thụy Sĩ ngày 16-6. Hội nghị thượng đỉnh được mong chờ này diễn ra giữa lúc quan hệ Mỹ - Nga đang ở mức thấp chưa từng có khi hai bên bất đồng về nhiều vấn đề.
Theo trang Bloomberg, mục tiêu của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga khi gặp nhau có lẽ chỉ là bảo đảm mối quan hệ này không lao dốc hơn nữa.
Hai tổng thống Joe Biden (trái) và Vladimir Putin trong lần gặp tại thủ đô Moscow - Nga năm 2011.Ảnh: REUTERS
Những lời lẽ cứng rắn của cả hai ông Biden và Putin trước thềm cuộc gặp báo hiệu sẽ khó có đột phá tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Phát biểu sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 14-6, ông Biden cam kết sẽ đặt ra "lằn ranh đỏ" với ông Putin dù thừa nhận nhà lãnh đạo Nga là "đối thủ đáng giá".
Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định Mỹ "không tìm kiếm xung đột" với Nga nhưng sẽ phản ứng nếu Moscow "tiếp tục có các hành động gây hại".
Sau cuộc gặp lãnh đạo các nước đồng minh NATO, ông Biden hôm 15-6 hội đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ dành cho lập trường cứng rắn đối với Nga. Vấn đề là, theo AP, nội bộ 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ sâu sắc về chính sách đối với Moscow.
Nga hiện không chỉ là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất của EU mà còn đóng vai trò quan trọng trong một loạt điểm nóng trên thế giới, như thỏa thuận hạt nhân Iran, xung đột ở Libya và Syria…
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Putin nhận định quan hệ hai nước đã xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây, đồng thời gọi cáo buộc Nga liên quan đến các vụ tấn công mạng nhằm vào Washington hoặc can thiệp bầu cử Mỹ là vô căn cứ.
Theo nội dung cuộc phỏng vấn được đài NBC News đăng hôm 14-6, ông chủ Điện Kremlin cũng bác bỏ chỉ trích của ông Biden, theo đó Nga làm tăng bất ổn trên toàn cầu. Không dừng lại ở đó, ông Putin cáo buộc chính Mỹ mới gây bất ổn ở Libya, Afghanistan và Syria.
Với bầu không khí ít thân thiện như thế, không gì khó hiểu khi các quan chức hai nước tìm cách giảm nhẹ sự kỳ vọng dành cho hội nghị. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow không quá kỳ vọng hoặc ảo tưởng về những kết quả đột phá tiềm tàng tại hội nghị. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng cuộc gặp chỉ mới là khởi đầu của một tiến trình lâu dài nhằm thiết lập mối quan hệ song phương ổn định hơn.
Lạc quan hơn, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh nói trên khi hai nước nỗ lực hướng đến "sự ổn định chiến lược" để có thể đạt tiến triển trong những lĩnh vực như kiểm soát vũ khí…
Trang The Guardian (Anh) dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng cuộc gặp là dịp để hai bên tìm cách tái khởi động quan hệ theo sau hội nghị thượng đỉnh trước đó (diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki - Phần Lan năm 2017). Riêng ông Brian Whitmore, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận định chính quyền Tổng thống Biden sẽ nỗ lực khiến quan hệ với Nga trở nên dễ đoán hơn trong thời gian tới.
Còn chỗ cho hợp tác
Ông Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin, hôm 15-6 đánh giá cuộc gặp Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ khó có thể mang lại các thỏa thuận cụ thể nhưng đây vẫn là sự kiện hữu ích. Theo ông Ushakov, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề như ổn định hạt nhân, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, số phận công dân Nga đang bị giam tại Mỹ và ngược lại... Theo kênh Al Jazeera, chương trình nghị sự có thể còn có nội dung về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ, vấn đề Ukraine, quân sự hóa Bắc Cực, chính sách mở rộng của NATO...
Dù còn nhiều bất đồng, Mỹ - Nga có thể tìm được một số tiếng nói chung tại cuộc gặp giữa hai ông Biden và Putin. Một kết quả khả dĩ là thỏa thuận đưa đại sứ trở lại sau khi Washington và Moscow triệu hồi họ về nước. Những lĩnh vực hợp tác tiềm tàng khác là không gian, đối phó tội phạm mạng, chống dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu... Ngoài ra, theo Bloomberg, không loại trừ khả năng ông Biden tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga trong nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc giảm bạo lực ở Afghanistan.
Đáng chú ý, hai nước còn có thể khởi động đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới một khi nó hết hạn vào năm 2026. Sau khi hiệp ước được gia hạn trong năm nay, Mỹ muốn thỏa thuận tiếp theo phải bổ sung những vũ khí chiến lược nào chưa có trong thỏa thuận hiện hữu. Tiến trình thảo luận thường mất nhiều năm nên cần khởi động sớm nếu hai bên muốn đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Xuân Mai
Bình luận (0)