Ông Putin nói tại một cuộc họp được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước Nga hôm 27-10 rằng động thái này sẽ giúp tình hình thuận lợi hơn trên thị trường năng lượng châu Âu.
Ông chủ Điện Kremlin ra lệnh cho Gazprom, gã khổng lồ năng lượng do chính phủ Nga kiểm soát, tập trung vào việc lấp đầy kho lưu trữ dưới lòng đất ở Đức và Áo bắt đầu từ ngày 8-11 sau khi hoàn tất bơm khí vào các cơ sở dự trữ dưới lòng đất ở Nga.
Ông Alexey Miller, giám đốc điều hành Gazprom, cho biết hoạt động trong nước sẽ được kéo dài thêm một tuần so với thông báo ban đầu là ngày 1-11. Ông Miller cho hay đến nay, Gazprom đã bơm một lượng khí đốt rất nhỏ vào các cơ sở lưu trữ ở châu Âu. Tại Nga, Gazprom có kế hoạch dự trữ kỷ lục 72,6 tỉ m3 khí cho mùa đông sắp tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo cho Tập đoàn năng lượng Gazprom tăng cường bổ sung khí đốt cho các cơ sở lưu trữ ở châu Âu vào tháng tới. Ảnh: Bloomberg
Việc Nga tập trung tăng cường lượng khí đốt dự trữ trong nước cùng với tỉ lệ lưu trữ thấp tại các cơ sở của Gazprom ở Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành mối quan tâm lớn đối với thị trường châu lục này, nơi vốn đang chật vật với tình trạng thiếu năng lượng và giá cả cao ngất ngưởng.
Sự can thiệp công khai đầu tiên của ông Putin vào thị trường đầu tháng này đã làm dịu đà tăng giá khí đốt nhưng kể từ đó giá cả vẫn tăng nhẹ. Năng lực vận chuyển mà Gazprom đã thoả thuận trong tháng 11 cũng không hứa hẹn sẽ đẩy nhanh việc giao hàng đến châu Âu.
Công ty này cho biết họ đang đáp ứng tất cả các nghĩa vụ theo hợp đồng trong khi một số quan chức EU cáo buộc công ty giữ lại nhiên liệu nhằm thúc đẩy phê duyệt đường ống Nord Stream 2 gây tranh cãi của mình.
Trong khi đó, dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đã nhập khẩu than từ Nga nhiều gấp 3 lần so với năm ngoái. Dữ liệu thương mại ban đầu cho thấy lượng than nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 đã tăng 76% so với một năm trước, lên 32,9 triệu tấn.
Theo đài CNBC, dữ liệu hải quan được công bố hôm 26-10 cho thấy phần lớn than nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Nga và Indonesia chứ không phải Úc. Vào năm 2019, lượng than nhập từ Úc chiếm khoảng 38% tổng lượng than nhiệt nhập khẩu của Trung Quốc, nhiên liệu chính để sản xuất điện. Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 3,7 triệu tấn than nhiệt từ Nga trong tháng 9-2021, con số này tăng 28% so với tháng 8 và cao hơn 230% so với một năm trước.
Ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề thương mại, nhận định điều này chứng tỏ Trung Quốc vẫn cần hệ thống thương mại toàn cầu bất chấp những nỗ lực nhằm giảm phụ thuộc.
Úc đã từng là nguồn nhập khẩu than lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng chính trị giữa hai nước leo thang sau khi Úc ủng hộ một cuộc điều tra về cách thức Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-19.
Bình luận (0)