Tổng thống Putin khẳng định Gazprom, tập đoàn năng lượng Nga, có thể cung cấp thêm 17,5 tỉ m3 khí đốt thông qua hệ thống ống dẫn của NS2 vào "ngày kia" nếu dự án này được phê chuẩn vào "ngày mai".
Theo báo The Financial Times, con số này tương đương 10% lượng khí đốt được Nga cung cấp cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2020, đồng nghĩa châu Âu sẽ được gia tăng nguồn cung đáng kể giữa lúc giá khí đốt liên tục thiếp lập kỷ lục trong khu vực.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể củng cố nghi vấn Nga cố tình "bóp" nguồn cung khí đốt để gây sức ép, buộc châu Âu phê chuẩn NS2. Mỹ cùng nhiều quốc gia Đông Âu khẳng định Nga muốn biến đường ống dẫn khí đốt 10 tỉ USD thành vũ khí địa chính trị để gia tăng sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) vào Moscow.
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga có thể tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu ngay khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được phê chuẩn. Ảnh: Reuters
Tổng thống Putin khẳng định chính sách năng lượng EU đang được soạn thảo bởi "những người không phải là chuyên gia", những người "lừa dối cử tri". Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh thế giới có thể tránh được các cuộc khủng hoảng tương tự nếu tập trung vào "những dự án cốt lõi" như NS2, thay vì tập trung vào mua bán trên thị trường giao ngay.
Cũng theo Tổng thống Putin, khủng hoảng khí đốt hiện tại xuất phát từ điều ông mô tả là những nỗ lực "thiển cận" của EU trong việc chuyển từ hợp đồng dài hạn sang thị trường giao ngay song song với nỗ lực gia tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo.
Tổng thống Putin khẳng định xu hướng này buộc các nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và Trung Đông cắt giảm nguồn cung ở thị trường châu Âu, dẫn đến tình trạng thâm hụt 70 tỉ m3 khí đốt mà đường ống NS2 với công suất dự kiến 55 tỉ m3 có thể hỗ trợ giải quyết.
Nga bị cáo buộc sử dụng nguồn cung khí đốt để gây sức ép, buộc châu Âu phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: Reuters
"Châu Âu thiết lập các nguyên tắc thị trường của họ dựa trên lập luận rằng họ là thị trường cao cấp. Không hề - khí đốt đã chảy đến châu Á và Mỹ Latin. Điều này liên quan gì đến Nga? Đây là hệ quả từ chính sách kinh tế của Ủy ban châu Âu" – Tổng thống Putin nhấn mạnh, đồng thời cho biết Gazprom đã gia tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu thêm 11 tỉ m3 trong năm nay.
Theo các nhà phân tích thị trường, so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, Nga đang gia tăng nguồn cung khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải là những thị trường chính của họ ở Tây Âu.
Bình luận (0)