Trong khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn bị phương Tây xa lánh thì có chuyển biến mới âm thầm diễn ra ở Trung Đông, các đồng minh Ả Rập của Mỹ đang dần hồi sinh quan hệ kinh tế và ngoại giao với Syria.
Tái đắc cử vào tháng 5, Tổng thống Bashar al-Assad nắm quyền lãnh đạo đất nước Syria trong nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp, kéo dài trong 7 năm tới. Theo Reuters, việc kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của ông Assad không phá vỡ được sự lạnh nhạt từ các quốc gia phương Tây, nhưng các nhà lãnh đạo Ả Rập đang dần chấp nhận thực tế rằng ông Assad vẫn nắm giữ quyền lực vững chắc.
Động thái rút lui của Mỹ khỏi Afghanistan càng củng cố niềm tin của các nhà lãnh đạo Ả Rập rằng họ cần vạch ra lộ trình của riêng mình. Khi Mỹ đang bận tâm trước thách thức từ Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Ả Rập tìm cách giải quyết các ưu tiên của riêng họ, nhất là phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng sau nhiều năm xung đột và dịch Covid-19.
Người dân đi ngang tấm áp phích có hình Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở TP Homs, Syria, vào ngày 3-10. Ảnh: Reuters
Mới đây, ngày 3-10, Quốc vương Jordan Abdullah điện đàm với Tổng thống Syria. Các quan chức Jordan cho biết đây là lần liên lạc đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi cuộc xung đột xảy ra tại Syria một thập kỷ về trước. Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo của Jordan và Syria thảo luận về mối quan hệ song phương, cách thức để thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa. Thời gian gần đây, cả Jordan và Lebanon đều kêu gọi Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên chính phủ Syria để tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế.
Dù mối quan hệ giữa Ả Rập với Damascus có tín hiệu tích cực nhưng Reuters cho rằng chính sách của Mỹ sẽ vẫn là một "yếu tố phức tạp". Washington cho biết không có thay đổi nào trong chính sách của họ đối với Syria, vốn đòi hỏi một quá trình chuyển đổi chính trị như được đề ra trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Damascus, được thắt chặt dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, vẫn gây trở ngại nghiêm trọng cho thương mại. Thế nhưng tại Washington, các nhà phân tích cho rằng Syria hầu như không phải là ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Nền kinh tế Syria xấu đi trong thời gian qua. Ảnh: Anadolu
Giới quan sát lưu ý rằng Tổng thống Biden tập trung vào việc đối phó Trung Quốc và chính quyền của ông vẫn chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt theo cái gọi là Đạo luật Caesar, có hiệu lực từ tháng 6 năm ngoái với ý định tăng thêm áp lực đối với ông Assad. Đạo luật Caesar nhắm tới những người ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad về chính trị, ngân hàng và thương mại.
Tiến sĩ David Lesch, chuyên gia về Syria tại Trường ĐH Trinity ở Texas (Mỹ), cho biết: "Các đồng minh của Mỹ trong thế giới Ả Rập đã đề nghị Washington dỡ bỏ bao vây Damascus và cho phép nước này tái hòa nhập vào khối Ả Rập. Có vẻ như chính quyền ông Biden, ở một mức độ nào đó, đang lắng nghe".
Giám đốc chương trình Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại của Mỹ, Aaron Stein, nhận định chính sách của Mỹ ở Syria hiện tập trung vào việc chống lại các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq, Syria và viện trợ nhân đạo.
Bình luận (0)