Trong cuộc phỏng vấn hôm 15-3 với đài CBS, Ngoại trưởng Kerry đề xuất tổ chức các cuộc thương lượng với Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại đây. Sau đó một ngày, ông Assad tuyên bố Damascus “đang chờ đợi các hành động cụ thể chứ không phải lời nói suông từ Washington”, đồng thời cho rằng “các đề xuất từ bên ngoài không liên quan đến Syria”.
Ông Assad nhấn mạnh chỉ người dân Syria mới “được phép” bàn về tương lai của tổng thống đất nước họ, không phải ngoại bang. Ông cũng kêu gọi các quốc gia nước ngoài ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố tại Syria, qua đó mới chấm dứt được cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011.
Damascus từ lâu cáo buộc Washington hậu thuẫn cho các nhóm khủng bố và phe đối lập Syria. Do vậy, nếu Mỹ “không hành động”, tức chấm dứt các hoạt động tài trợ, Syria sẽ nhất quyết không thương thảo, theo Tổng thống Assad.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Marie Harf hôm 16-3 có tuyên bố trái ngược với Ngoại trưởng Kerry. Bà Harf khẳng định Washington sẽ “không bao giờ” đàm phán với ông Assad.
Pháp, một đồng minh lâu năm của Mỹ, cũng giữ nguyên quan điểm rằng giải pháp then chốt để giải quyết cuộc nội chiến là nhà lãnh đạo Syria phải từ chức.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius bác bỏ vai trò của nhà lãnh đạo Syria trong cuộc hòa đàm và mô tả nếu ông Assad còn tại vị, đó sẽ là “món quà” dâng tặng cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đang chứa chấp hàng trăm ngàn người tị nạn đến từ láng giềng Syria, nhận định chế độ Assad là nguyên nhân gây ra cuộc chiến đẫm máu, cướp đi hơn 220.000 sinh mạng tại Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết sẽ không có tương lai nếu đi theo con đường đàm phán với chế độ Assad.
Ngay cả phe đối lập Syria do Mỹ hậu thuẫn cũng không ủng hộ đề xuất của Ngoại trưởng John Kerry. Một thành viên của Liên minh Quốc gia Syria chốt lại một câu: “Nếu ông Kerry muốn đàm phán với quân giết người, ông ấy sẽ chẳng khác gì chúng”.
Bình luận (0)