Đài RT hôm 1-10 dẫn lời Tổng thống Erdogan cho biết nước ông "không còn mong đợi bất cứ điều gì từ EU sau hàng thập kỷ chờ đợi để trở thành thành viên của khối này".
“Chúng tôi đã giữ tất cả lời hứa với EU nhưng họ gần như không giữ lời hứa nào cả” - nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước Quốc hội.
Tổng thống Erdogan nhấn mạnh Ankara “không còn mong đợi bất cứ điều gì từ EU, tổ chức đã khiến chúng tôi phải chờ đợi trước cửa suốt 60 năm”.
"Họ có thể sửa chữa sai lầm bằng cách từ bỏ cách tiếp cận bất công đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là khi cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu không, họ sẽ hoàn toàn mất quyền mong đợi bất cứ điều gì từ chúng tôi" - Tổng thống Erdogan nói thêm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) trong một cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel năm 2020. Ảnh: Consilium.europa.eu
Trong những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn việc ngày càng nhiều công dân của họ bị từ chối cấp thị thực Schengen. Tuy nhiên, EU khẳng định khối này "không gây ra thêm trở ngại nào đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ".
Tổng thống Erdogan cho rằng việc EU từ chối cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ là “các biện pháp trừng phạt bí mật chống lại Ankara".
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987 và được công nhận là ứng cử viên vào năm 1999.
Các cuộc đàm phán gia nhập bắt đầu vào năm 2005 nhưng diễn ra chậm chạp, sau đó dừng lại vào năm 2016.
EU ngày càng chỉ trích Ankara trong những năm gần đây, cáo buộc Tổng thống Erdogan cố gắng củng cố quyền lực theo cách đi ngược lại quy tắc của EU.
Đầu tháng này, Nghị viện châu Âu thông qua một báo cáo chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì đã cắt giảm “các quyền tự do cơ bản, cũng như những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế và quan hệ láng giềng tốt đẹp”.
Tổng thống Erdogan phản ứng với báo cáo trên bằng cách tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể quyết định “chia tay EU” do bị đối xử như vậy.
Hôm 1-10, một kẻ đánh bom liều chết đã kích nổ bom gần lối vào Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP
Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1-10 cho biết các máy bay chiến đấu của nước này đã không kích các mục tiêu bị nghi là phiến quân người Kurd ở miền Bắc Iraq sau vụ tấn công liều chết vào tòa nhà chính phủ ở thủ đô Ankara.
Bộ này nói rằng khoảng 20 mục tiêu của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đã bị “tiêu diệt” trong chiến dịch trên không mới nhất, bao gồm các hang động, nơi trú ẩn và kho chứa, đồng thời một số lượng lớn thành viên PKK cũng bị giết chết.
Trước đó hôm 1-10, một kẻ đánh bom liều chết đã kích nổ bom gần lối vào Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, làm 2 cảnh sát bị thương. Kẻ tấn công thứ hai bị tiêu diệt trong cuộc đấu súng với cảnh sát.
Bình luận (0)