xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nga nói Thổ Nhĩ Kỳ đang biến thành "quốc gia không thân thiện"

Bằng Hưng (Theo The Guardian)

(NLĐO) - Nga nói Thổ Nhĩ Kỳ đang biến thành "quốc gia không thân thiện" sau hàng loạt "quyết định khiêu khích" đối với Moscow.

"Đáng tiếc, chỉ trong vòng vài tuần qua Thổ Nhĩ Kỳ đã dần chuyển từ một nước trung lập sang thành một quốc gia không thân thiện" - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng tại Thượng viện Nga Viktor Bondarev nói với hãng tin TASS hôm 11-7.

Phát biểu của ông Viktor Bondarev diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa đồng ý chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự NATO. Ankara trước đó cũng thả 5 chỉ huy tiểu đoàn Azov sau chuyến thăm của Tổng thống Ukraine tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7-7.

Các chỉ huy và khoảng 2.500 binh sĩ thuộc tiểu đoàn Azov đã cố thủ tại TP Mariupol của Ukraine trong nhiều tuần giao tranh dữ đội với lực lượng Nga, trước khi được lệnh đầu hàng vào tháng 5-2022.

Theo thỏa thuận trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 9 năm ngoái, bên cạnh những binh sĩ được trả tự do, các chỉ huy tiểu đoàn Azov phải ở lại lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi giao tranh kết thúc.

Nga nói Thổ Nhĩ Kỳ đang biến thành quốc gia không thân thiện - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul vào ngày 7-7. Ảnh: TUR Presidency

Vì thế, việc này khiến Nga nổi giận và cho rằng đây là động thái khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ. "Hành động đó không khác một cú đâm sau lưng" - ông Bondarev nói và cũng cho rằng các động thái này của Ankara là do sức ép từ NATO.

"Lý do duy nhất NATO cần Thổ Nhĩ Kỳ là kiểm soát eo biển Đen, ổn định hoặc gây bất ổn khu vực Trung Đông" – ông Bondarev nói thêm, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc rời NATO và lập liên minh với Nga.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cuối ngày 10-7 thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt. Động thái này được coi là dỡ bỏ rào cản cuối cùng đối với Thụy Điển trong việc gia nhập NATO.

"Đây là bước đi lịch sử, giúp tất cả các đồng minh NATO mạnh mẽ và an toàn hơn"- ông Stoltenberg cho biết sau khi chủ trì cuộc họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Lithuania.

Quyết định trên của phía Ankara đã nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt từ phía Thụy Điển và lãnh đạo của nhiều thành viên khác trong khối NATO.

"Điều này sẽ củng cố cả an ninh của Thụy Điển nói riêng và cả khối NATO nói chung. Một ngày tốt lành và cũng là một ngày lịch sử" - Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson viết trên Twitter.

Nga nói Thổ Nhĩ Kỳ đang biến thành quốc gia không thân thiện - Ảnh 2.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) chủ trì cuộc họp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 10-7. Ảnh: Reuters

Tổng thống Erdogan trước đó nói rằng Ankara sẽ ủng hộ Thụy Điển vào NATO nếu Liên minh châu Âu (EU) chào đón Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập. Hãng thông tấn Andolu tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được cam kết từ Thụy Điển và một số đồng minh khác về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, dỡ bỏ các rào cản đầu tư, thương mại và quốc phòng.

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Stoltenberg phủ nhận mối liên hệ giữa việc Thụy Điển được ủng hộ gia nhập NATO với việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành thành viên EU. 

Ông Stoltenberg cho rằng đây là kết quả của việc ông Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã phối hợp chặt chẽ để giải quyết "những quan ngại an ninh chính đáng" của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Thụy Điển đã sửa đổi hiến pháp, luật pháp, mở rộng đáng kể hoạt động chống khủng bố nhằm vào lực lượng người Kurd và khôi phục xuất khẩu vũ khí sang thổ Nhĩ Kỳ" - ông Stoltenberg nêu một phần nỗ lực của Thụy Điển nhằm đáp ứng yêu cầu để có được sự ủng hộ của Ankara.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nói ông sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với người đồng cấp Erdogan.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly cho biết việc Thụy Điển trở thành thành viên của NATO là "vì lợi ích của tất cả mọi người". Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi đây là "bước đi lịch sử".

Tổng thống Sauli Niinisto của Phần Lan, quốc gia đã gia nhập NATO vào tháng 4, nói rằng: "Tư cách thành viên NATO của Phần Lan sẽ không trọn vẹn nếu không có sự hiện diện của Thụy Điển".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo