Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24-2 cam kết sẽ yêu cầu khoản ngân sách khổng lồ cho “một trong những nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự lớn nhất từ trước đến giờ”.
Bài toán “tiền đâu”
Phát biểu tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC), ông Trump cho rằng quân đội Mỹ phải được tăng cường cả về khả năng phòng vệ lẫn tấn công. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ không cung cấp nhiều chi tiết về bước đi này cũng như những kế hoạch khác được nói đến tại hội nghị, trong đó có cải cách thuế.
Vào thời điểm ông chủ Nhà Trắng muốn giảm thuế cho người Mỹ, việc cấp ngân sách quốc phòng “khủng” đồng nghĩa với chuyện phải cắt giảm những khoản chi tiêu khác. Với ngân sách đang thâm hụt nghiêm trọng, ông Trump sẽ phải đối mặt không ít rào cản nếu muốn quốc hội bật đèn xanh cho việc tăng chi tiêu quân sự.
Trong bài phát biểu tại CPAC, tổng thống Mỹ phàn nàn về những giới hạn áp đặt lên ngân sách quốc phòng từ năm 2011. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer sau đó cho biết đề xuất ngân sách của ông Trump sẽ đề cập rất rõ về cách thức cấp ngân sách cho sự gia tăng chi tiêu quân sự nêu trên.
Bên cạnh tham vọng tăng cường sức mạnh quân đội, ông Trump còn tiếp tục cuộc chiến với giới truyền thông khi gọi một số báo, đài là “kẻ thù của người dân Mỹ” vì đưa tin giả. Ông đặc biệt chỉ trích việc giới truyền thông sử dụng nguồn tin nặc danh khi đưa tin không hay ho về mình. Kể từ khi lên nắm quyền hôm 20-1, ông Trump không ít lần chĩa mũi dùi vào những báo, đài đăng tải thông tin bất lợi với chính quyền.
Một số phóng viên bỏ về sau khi một loạt hãng tin và báo lớn của Mỹ không được phép tham dự buổi họp báo thường kỳ tại Nhà Trắng hôm 24-2 Ảnh: REUTERS
Cuộc chiến với truyền thông
Vài giờ sau những phàn nàn mới nhất nêu trên của ông Trump tại CPAC, một diễn biến khác thường đã diễn ra tại Nhà Trắng. Một số hãng truyền thông lớn của Mỹ không được phép tham dự buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 24-2, trong đó có những cái tên bị chính quyền ông Trump công khai chỉ trích trước đó. Ngoài hãng tin Reuters, trang Bloomberg, đài CBS và một số báo, đài khác, các phóng viên của đài CNN, báo The New York Times, trang Politico, báo The Los Angeles Times và trang BuzzFeed đều không được tham dự buổi họp báo do thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer chủ trì.
Buổi họp báo không có camera này thay thế cho cuộc họp báo hằng ngày vẫn thường được truyền hình trực tiếp của Nhà Trắng. Ông Spicer không giải thích lý do nhưng hành động “cấm cửa” lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng truyền thông.
“Chưa bao giờ xảy ra chuyện như vậy tại Nhà Trắng. Tự do báo chí và quyền tiếp cận một chính phủ minh bạch là lợi ích quốc gia cực kỳ quan trọng” - Tổng Biên tập tờ The New York Times Dean Baquet công kích. Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng cũng chỉ trích hành động phân biệt đối xử nêu trên. Bình luận về “cuộc chiến” giữa ông Trump và báo giới, ông Ari Fleischer, cựu thư ký báo chí của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, ví von: “Cỏ khô ở cả hai phía và chỉ cần một mồi lửa là bùng cháy”.
Điều trớ trêu là trong lúc ông Trump không ngừng công kích “tin giả”, phần lớn người dân Mỹ lại tin vào báo chí hơn là những phát biểu của nhà lãnh đạo này, theo một số cuộc khảo sát mới đây. Chẳng hạn, 2 cuộc khảo sát được Công ty Truyền thông McClatchy - Trường Cao đẳng Marist và Trường ĐH Quinnipiac (Mỹ) công bố trong tuần này cho thấy đa số người được hỏi xem ông Trump là một người không thành thật, một nhà lãnh đạo kém và không ổn định.
Mexico đáp trả cứng rắn
Ngày 24-2, phát biểu tại Hội nghị CPAC thường niên, Tổng thống Donald Trump một lần nữa bảo vệ chính sách nhập cư của mình và tuyên bố sẽ “tống cổ những gã xấu” ra khỏi nước Mỹ.
Hôm 21-2, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) công bố các quy định mới về bắt giữ và trục xuất người nhập cư, trong đó tập trung vào nhóm người có tiền án, tiền sự hay vào Mỹ bất hợp pháp. Tuy nhiên, Giám đốc DHS, Tướng John Kelly, cam kết sẽ không có tình trạng trục xuất hàng loạt nhân chuyến thăm của ông tới Mexico tuần này.
Cũng trong bài phát biểu ngày 24-2, Tổng thống Trump nhấn mạnh bức tường xây dọc biên giới Mexico sẽ “sớm bắt đầu, sớm hơn kế hoạch”. Cục Hải quân và Bảo vệ biên giới Mỹ đã đăng thông báo mời gọi các công ty thiết kế bức tường này và sẽ gút danh sách vào ngày 20-3. Khu vực biên giới kém an ninh giữa Mỹ và Mexico kéo dài hơn 2.000 km. Theo một báo cáo nội bộ của DHS do Reuters đăng tải, chi phí xây tường có thể lên đến 21,6 tỉ USD - cao hơn nhiều so với ước tính 12 tỉ USD của ông Trump và 15 tỉ USD của Đảng Cộng hòa, với thời gian thi công khoảng 3 năm rưỡi.
Để có tiền xây tường, Tổng thống Trump đề xuất đánh thuế 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico nhằm thu hút nguồn vốn. Đáp lại, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray ngày 25-2 cho biết Mexico sẽ áp thuế đối với một số hàng hóa chọn lọc nhập khẩu từ Mỹ, trong đó “soi” sản phẩm của các bang Iowa, Texas và Wisconsin. Bộ Thương mại Mỹ thống kê Mexico là thị trường hàng đầu của hàng xuất khẩu từ bang Texas, đạt 92,4 tỉ USD vào năm 2015.
Đặc biệt, Mexico đang xem xét kế hoạch trả đũa nặng tay nhằm vào nông dân trồng bắp tại Mỹ. Mexico là một trong những nước nhập khẩu bắp Mỹ nhiều nhất thế giới. Trong cuộc tuần hành chống ông Trump ở thủ đô Mexico City cuối tuần trước, Thượng nghị sĩ Armando Rios Piter - người đứng đầu Ủy ban Quan hệ đối ngoại thuộc Quốc hội Mexico - cho biết ông sẽ đề xuất dự luật mua bắp từ Brazil và Argentina thay vì Mỹ.
Bắp Mỹ xuất khẩu sang Mexico tăng vọt sau khi Thỏa thuận Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết. Hồi năm ngoái, lượng bắp Mỹ xuất khẩu sang Mexico có giá trị 2,4 tỉ USD. Trong khi đó, vào năm 1995, tức một năm sau khi NAFTA trở thành luật, con số này chỉ đạt 392 triệu USD.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)