Đài RT cho biết Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky ngày 18-10 ra lệnh sa thải Đại sứ Ukraine tại Kazakhstan Pyotr Vrublevsky vì những bình luận gây tranh cãi.
Hồi tháng 8, trả lời phỏng vấn một blogger Kazakhstan về tình hình ở Ukraine thời điểm đó, ông Vrublevsky nói: "Chúng tôi đang cố gắng giết càng nhiều (người Nga) càng tốt. Chúng tôi giết nhiều người Nga hơn bây giờ thì con cái của chúng tôi sẽ càng ít phải làm như vậy".
Những bình luận trên khiến các quan chức ở Kazakhstan, quốc gia có đông dân tộc thiểu số người Nga sinh sống, tức giận. Nhiều người cáo buộc đại sứ Ukraine kích động hận thù trong nước. Ông Vrublevsky được cho là đã xin lỗi sau khi bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao.
Đại sứ Pyotr Vrublevsky. Ảnh: Sputnik
Đầu tháng này, Nga bày tỏ sự quan tâm về việc ông Vrublevsky vẫn ở Kazakhstan. Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Vrublevsky tiếp tục giữ chức vụ người đứng đầu Đại sứ quán Ukraine tại Astana và lưu ý điều này đi ngược lại với đảm bảo trục xuất ông Vrublevsky của Kazakhstan.
Phía Kazakhstan cam kết ông Vrublevsky sẽ rời khỏi nước này nếu có người thay thế nhưng chưa trục xuất ông. Tổng thống Zelensky cũng chỉ mới ra lệnh sa thải ông Vrublevsky mà chưa chỉ định người kế nhiệm.
Trong khi đó, liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sẽ tăng cường sản xuất nhiều bệ phóng rốc-két đa nòng M142 HIMARS giữa thời điểm Mỹ cam kết gửi thêm vũ khí cho Ukraine, theo trang Politico ngày 18-10.
Bệ phóng rốc-két đa nòng M142 HIMARS. Ảnh: Wikipedia
Giám đốc điều hành Jim Taiclet của Lockheed Martin cho biết họ có kế hoạch tăng sản lượng M142 HIMARS từ 60 bệ phóng lên 96 bệ phóng mỗi năm. Động thái này diễn ra sau khi Ukraine, Ba Lan và Estonia đặt hàng hàng chục bệ phóng M142 HIMARS từ Mỹ.
Ông Taiclet nói thêm rằng Lockheed Martin cũng đang xem xét mở rộng nhà máy của mình ở TP Camden, bang Arkansas - Mỹ.
HIMARS là một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine tính đến thời điểm hiện tại. Hệ thống này cho phép thực hiện các cuộc tấn công chính xác cao vào các mục tiêu như cầu cống, kho đạn phía sau phòng tuyến của đối phương.
Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý trở thành "trung tâm khí đốt"
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 19-10 thông báo nước ông và Nga đã nhất trí về việc thành lập một trung tâm khí đốt lớn, qua đó cho phép châu Âu sử dụng khí đốt của Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
"Hiện tại, châu Âu đang suy nghĩ về cách đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt trong giai đoạn mùa đông sắp tới. Trong cuộc gặp mới nhất với Tổng thống Nga Vladimir Putin, chúng tôi đã đồng ý tạo ra một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Như chính Tổng thống Putin tuyên bố, châu Âu có thể sử dụng khí đốt của Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ" - Tổng thống Erdogan phát biểu tại cuộc họp của Đảng Công lý và Phát triển.
Bình luận (0)