Thị trấn Snowtown, rừng Belanglo, cảng Arthur - những địa danh vốn hiền lành của Úc nhưng bất đắc dĩ nổi danh vì những vụ án mạng chấn động nhất nước này. Cư dân tại những địa phương này từ lâu mong mỏi thời gian có thể giúp tai tiếng đó dần buông tha quê hương của mình.
Ăn theo tội ác, thảm họa
Thế nhưng, sự tò mò của du khách dường như chẳng có điểm dừng. Thậm chí, chúng còn nổi bật trên bản đồ du lịch với những lời giới thiệu hút khách như “điểm đến của những cuộc phiêu lưu đang chờ đợi, ở đây bạn có thể lần theo dấu chân của một tên giết người hàng loạt”… Gần đây, một công ty lữ hành của Úc quảng cáo ầm ĩ chuyến du lịch gọi là “tour cực kỳ rùng rợn” tới rừng Belanglo để khám phá nơi tên sát nhân máu lạnh Ivan Milat hạ thủ và chôn vùi thi thể của ít nhất 7 nạn nhân.
Rõ ràng đây là một tour du lịch ăn theo vụ án mạng chấn động nước Úc những năm đầu 1990. Người thân các nạn nhân ngay lập tức chỉ trích cái gọi là “tour làm tiền trên nỗi đau của người khác”. Trong khi đó, chính quyền bang New South Wales (NSW) - nơi tọa lạc khu rừng Belanglo - chỉ trích đây là kế hoạch bệnh hoạn và vô nhân đạo. Dù vậy, tour du lịch theo kiểu “du lịch đen tối” - tức tới thăm những nơi xảy ra án mạng hoặc thảm họa - vẫn thu hút không ít sự quan tâm của những kẻ tò mò về vụ án khủng khiếp này.
Trong khi đó, tại Snowtown, du khách vẫn “âm thầm” kéo tới trụ sở ngân hàng cũ trên đại lộ Nam Úc từng là nơi giấu thi thể bị cắt rời của 8 người được phát hiện trong 6 thùng a xít 15 năm trước. Vụ án này khiến Snowtown nhỏ bé rúng động và đánh mất sự bình yên. Thị trấn này thậm chí còn gây sốt sau khi đạo diễn Justin Kurzel tái hiện vụ án lên màn bạc năm 2011. Tất nhiên vẫn có những du khách tới đây vì sức hút như vốn có của Snowtown khi chưa bị án mạng “ám” nhưng phần lớn chỉ dừng chân để chụp ảnh cái trụ sở ngân hàng ớn lạnh đó.
Không hẳn chuyện xấu
Cư dân địa phương cũng có người “té nước theo mưa”. Một tiệm đồ lưu niệm ở đây thậm chí còn bán cả những bức tượng sứ mô phỏng thi thể người bị cắt rời đựng trong những chiếc thùng (!). Bà chủ tiệm, Rosemary Joseph, hiện đã hơn 80 tuổi, sau khi đóng cửa tiệm này đã chuyển đi nơi khác sống. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo News Corp hồi năm 2012, bà Joseph trải lòng: “Du khách muốn những thứ hấp dẫn chứ không phải là những miếng nam châm trang trí để dán tủ lạnh hay những đồ lưu niệm thông thường khác”.
Cũng theo lời bà Joseph, không phải ai trong thị trấn cũng bị ám ảnh vì vụ án mạng. “Một nửa thị trấn không để tâm lắm tới vụ án nhưng vẫn có những người vật vã vượt qua. Vụ việc thật quá khủng khiếp nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì. Thế nên, nhiều người chọn cách tiếp tục sống. Tất nhiên, bạn không thể giả bộ như chưa có chuyện gì xảy ra. Thế nên tôi đã chọn cách làm việc gì đó để mang lại thu nhập cho Snowtown” - bà Joseph nói thêm với trang tin News.com.au.
Theo giáo sư Derek Dalton - tác giả cuốn “Dark Tourism and Crime” (tạm dịch: Du lịch đen và tội ác), hiện tượng nơi xảy ra các vụ án rùng rợn hút khách du lịch không phải là chuyện mới trên thế giới này. Ông cho rằng sự hấp dẫn của những nơi như vậy hoàn toàn dễ hiểu và “du lịch đen” cũng không hẳn là xấu bởi nó còn tùy thuộc vào cách hành xử của du khách.
Chẳng hạn như du khách không bị cấm tới cảng Arthur, nơi gắn liền với vụ giết người hàng loạt cướp đi sinh mạng của 35 người năm 1996 nhưng họ phải tuân thủ “luật chơi” nếu muốn thỏa mãn sự tò mò. Chính vì vậy, du khách tới đây được chủ động cung cấp đầy đủ về vụ việc với mục đích nâng cao cảnh giác.
Bình luận (0)