Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhóm họp tại Bắc Kinh - Trung Quốc trong ngày 10 và 11-11, tập trung bàn vấn đề thương mại, chống tham nhũng cũng như tìm kiếm những cách thức duy trì sự phục hồi kinh tế toàn cầu còn mong manh.
Theo đài BBC, sau ngày đầu tiên với các cuộc gặp cấp cao song phương, hội nghị thượng đỉnh sẽ chính thức diễn ra trong ngày 11-11.
Thương mại là điểm nóng khi nước chủ nhà tìm cách đẩy nhanh việc thành lập Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) để làm đối trọng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đang theo đuổi.
Vào cuối tuần rồi, các bộ trưởng thương mại và ngoại trưởng APEC đã nhất trí tiến hành nghiên cứu chiến lược về FTAAP. Tuy nhiên, Mỹ và một số thành viên APEC có thể phản đối ý định của Trung Quốc do lo ngại FTAAP sẽ làm xao nhãng sự quan tâm dành cho TPP mà Bắc Kinh đang đứng ngoài.
Các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp về TPP ở Bắc Kinh hôm 10-11. Ảnh: Reuters
Tại cuộc gặp bên lề APEC hôm 10-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng lãnh đạo 11 nền kinh tế kêu gọi hoàn tất TPP “càng sớm càng tốt” nhưng không ấn định thời gian. Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng bất đồng lớn nhất hiện nay về TPP là giữa Mỹ và Nhật xung quanh việc Tokyo mở cửa bao nhiêu đối với nông sản nhập khẩu.
Trong nỗ lực trấn an Bắc Kinh, 12 nhà lãnh đạo khẳng định TPP vẫn “mở cửa cho những đối tác khu vực nào sẵn sàng chấp nhận những tiêu chuẩn cao của hiệp định”.
Tại cuộc họp nêu trên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam quyết tâm và sẵn sàng nỗ lực cùng các thành viên sớm đạt được một hiệp định toàn diện, cân bằng, quan tâm thỏa đáng đến lợi ích và thực tiễn phát triển của các thành viên.
Trong lúc vấn đề thương mại còn gây chia rẽ, theo đài BBC, các nhà lãnh đạo APEC nhiều khả năng ủng hộ thỏa thuận thành lập một mạng lưới chia sẻ thông tin về chống tham nhũng do Trung Quốc đề xuất, gọi tắt là ACT-NET.
Theo đó, 21 nền kinh tế thành viên cam kết không cung cấp nơi ẩn trốn an toàn cho bất kỳ ai dính dáng tới tham nhũng - thông qua việc dẫn độ, hỗ trợ pháp lý chung, quá trình thu hồi và hoàn trả tiền tham nhũng. Thỏa thuận cũng “lập ra các biện pháp và cơ chế để bảo vệ những người lên tiếng chống tham nhũng”.
Dù vậy, theo BBC, chưa rõ thỏa thuận được thực hiện như thế nào giữa các nước không có các hiệp ước dẫn độ song phương.
Nhiều thỏa thuận riêng
Đến Bắc Kinh ngày 10-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhanh chóng gặp gỡ bên lề hội nghị APEC với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Úc Tony Abbott.
Trong cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, ông Obama khẳng định Mỹ muốn thấy Trung Quốc thành công nhưng Bắc Kinh phải là một đối tác trong trật tự thế giới. Tổng thống Mỹ cũng hối thúc Trung Quốc không sử dụng tin tặc để đánh cắp bí mật thương mại, đồng thời tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, theo ông Obama, Mỹ và Trung Quốc tăng thời hạn hiệu lực đối với thị thực ngắn hạn từ ngày 12-11. Cụ thể, thị thực du lịch và thương gia tăng từ 1 năm lên 10 năm, còn thị thực của du học sinh tăng từ 1 năm lên 5 năm.
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp chính thức đầu tiên sau hơn 2 năm “băng giá” do tranh chấp lãnh thổ. Gọi cuộc hội đàm kéo dài 30 phút là bước đầu tiên để cải thiện quan hệ, Thủ tướng Abe khẳng định ông nhất trí thiết lập một cơ chế giải quyết khủng hoảng trên biển.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, 2 nhà lãnh đạo không đề cập cuộc khủng hoảng đền Yasukuni hay tranh cãi chủ quyền lãnh thổ. Cả hai cũng không hề mỉm cười dù bắt tay nhau. Giám đốc Trung tâm Quan hệ Trung - Mỹ tại Trường ĐH Qinghua ở Bắc Kinh, ông Sun Zhe, nhận định: “Phần lớn các nước châu Á chưa hết nghi ngại về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng”.
Cùng ngày 10-11, sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Park Geun-hye và ông Tập Cận Bình, văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo 2 bên đạt thỏa thuận thương mại tự do nhằm dỡ bỏ thuế quan đối với 90% hàng hóa trong 20 năm.
Một ngày trước, nhà lãnh đạo chủ nhà APEC đạt thỏa thuận xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt ở phía Tây trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đường ống mới sẽ cung cấp 30 tỉ m3 khí đốt/năm tới Trung Quốc, mở đường cho Bắc Kinh thành khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga.
Ngoài ra, Trung Quốc còn bắt tay Indonesia trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hàng hải; với Thái Lan trong phát triển giao thông...
Thu Hằng
Bình luận (0)