xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trả hay không trả tiền chuộc?

NGUYỄN CAO

Sau cái chết thảm thương của con tin John Ridsdel, thủ tướng Canada vẫn tuyên bố cứng rắn không trả tiền chuộc trong bất cứ trường hợp nào cho Abu Sayyaf

Thế giới đang hồi họp lo lắng cho số phận của Robert Hall, con tin thứ hai người Canada. Ngày 3-5 vừa qua, nhóm khủng bố Abu Sayyaf (ASG) đã tung video clip đe dọa cắt cổ ông Hall nếu chính phủ Canada trì hoãn cuộc thương lượng về tiền chuộc. Trước đó một tuần, ASG đã hạ sát ông John Ridsdel, công dân Canada, vì chậm trả tiền chuộc.

Chuyện khó nói

“Trả tiền chuộc sẽ tạo nguồn tài chính đáng kể cho các tổ chức khủng bố, giúp chúng tiếp tục những hành vi giết chóc vô lối nạn nhân vô tội trên toàn thế giới. Quan trọng hơn, trả tiền chuộc sẽ gây nguy hiểm cho mỗi cá nhân trong số hàng triệu người Canada đang sống, làm việc và đi du lịch toàn cầu hằng năm” - ông Justin Trudeau, Thủ tướng Canada, nhấn mạnh như vậy vào tối 3-5.

Ông Trudeau cho biết đã nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với Thủ tướng Anh David Cameron về chuyện “không trả tiền chuộc” và được ông này ủng hộ hết mình.

Thậm chí tại Mỹ, cách đây 6 tháng, luật pháp còn cho phép truy tố người nhà nạn nhân nếu huy động tiền để trả tiền chuộc nhưng nay không còn áp dụng nữa. Chính phủ Pháp và Ý xưa nay ít khi lên gân như Canada, họ âm thầm thương lượng với những kẻ bắt cóc và trả tiền chuộc để cứu mạng công dân của mình.

Con tin Warren Rodwell, 54 tuổi, bị ASG bắt cóc năm 2011 và 472 ngày sau mới được thả (Ảnh cắt từ video clip của ASG)
Con tin Warren Rodwell, 54 tuổi, bị ASG bắt cóc năm 2011 và 472 ngày sau mới được thả (Ảnh cắt từ video clip của ASG)

Trong khi đa số chuyên gia chống khủng bố đồng cảm với ông Trudeau thì vẫn có một số người nghi ngờ tính trung thực của nhà lãnh đạo Canada. Bởi thực tế, có những trường hợp phải đáp ứng yêu sách của bọn khủng bố, thông thường do gia đình nạn nhân chi trả trong khi tuyên bố chính thức của chính phủ là kiên quyết giữ vững lập trường.

Thật ra, rất khó đánh giá lập trường “nói không với tiền chuộc”của chính phủ Canada nói riêng và chính phủ các nước nói chung là đúng hay sai một cách tuyệt đối. Đối với gia đình nạn nhân, đó là một quyết định sai vì xác suất con tin bị giết rất lớn. Đối với chính phủ, trước cảnh “trên đe (áp lực của gia đình nạn nhân) dưới búa” (trả tiền chuộc đồng nghĩa với nối giáo cho giặc), thật khó đưa ra một quyết định gọi là đúng đắn cho cả đôi đàng.

Theo ông Fred Burton, Phó Chủ tịch Công ty Dự báo Chiến lược Stratfor (Mỹ), không nên tách tuyên bố của ông Trudeau ra khỏi ngữ cảnh của nó. Đó là đằng sau tuyên bố - cần thiết phải có - của người đứng đầu nhà nước, cơ quan tình báo của quốc gia đó luôn nhận được lệnh chính phủ làm mọi cách để đưa công dân của mình về nước một cách an toàn hoặc thương lượng với khủng bố giảm giá tiền chuộc hay giải cứu con tin bằng biện pháp quân sự.

Chính phủ nói không, con tin nói có

Hãng thông tấn Mỹ AP năm 2011 có được một lá thư của Al-Qaeda. Theo đó, 2 cựu nhân viên ngoại giao Canada Robert Fowler và Louis Guay bị Al-Qaeda bắt cóc năm 2009 tại Niger đã được thả sau khi nộp 1,1 triệu USD tiền chuộc. Cho tới nay, vẫn chưa rõ ai trả tiền chuộc.

Fowler cũng im lặng về chuyện này, chỉ chia sẻ trong cuốn tự truyện “Season in the Hell” rằng ông không tin Al-Qaeda thả mình vì “yêu đôi mắt xanh”. Một công điện của Bộ Ngoại giao Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ năm 2011 cũng cho rằng Fowler và Guay được thả nhờ có tiền chuộc dù chính phủ Canada luôn phủ nhận điều này.

Ông Gar Pardy - nguyên trưởng ban cố vấn Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada - từng tham gia giải cứu hơn 100 con tin bị bắt cóc đòi tiền chuộc trên toàn thế giới. Ông tiết lộ trên tờ Ottawa Citizen: “Tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết nhưng có thể khẳng định rằng nếu ai đó bị bắt cóc được thả ra thì chắc chắn là có tiền chuộc. Khủng bố không bao giờ thả con tin vì “trái tim nhân ái”. Đó là chuyện thần tiên không có thật. Còn chuyện lính đặc nhiệm một mình một thân vào hang ổ khủng bố giải cứu con tin chỉ có trong trí tưởng tượng của các nhà biên kịch Hollywood”.

Ở một khía cạnh khác, bà Aisha Ahmad - giáo sư Trường ĐH Toronto, chuyên nghiên cứu phương thức kiếm tiền của các nhóm thánh chiến - nhận định rằng trả hay không trả tiền chuộc cũng đều bất lợi. Theo bà, nếu trả tiền chuộc, con tin được thả nhưng bọn khủng bố giống như hùm mọc cánh, khả năng gây hại của chúng càng lớn. Trái lại, nếu từ chối trả tiền chuộc, người thân của con tin sẽ bị hành quyết công khai.

“Sẽ là điên rồ nếu nghĩ rằng không trả tiền chuộc thì bọn khủng bố sẽ từ bỏ việc bắt cóc trong tương lai. Không thể dễ dàng như vậy. Mỗi lần con tin bị chặt đầu là mỗi lần uy tín và sức nặng lời đe dọa của chúng càng tăng lên. Điều này khiến bọn chúng kiên trì đòi tiền chuộc cho con tin tiếp theo” - bà Ahmad phân tích.

Xà xẻo tiền chuộc

Ông Warren Rodwell là một con tin người Úc của ASG từ năm 2011. Những kẻ bắt cóc lúc đầu đòi 1 triệu peso Philippines (21.327 USD), sau đó tăng lên 40 triệu peso (853.116 USD). Sau hơn 15 tháng thương lượng, có tin ASG đồng ý thả Rodwell với số tiền là 7 triệu peso. Chính quyền Philippines tiếp nhận ông Rodwell ngày 21-3-2013 nhưng 2 hôm sau, ông Rodwell mới được bàn giao cho chính quyền Úc. Chuyện gì xảy ra trong 2 ngày đó?

Trang tin Rappler của Philippines dẫn nguồn tin thông thạo cho biết sau khi phủ nhận vụ trả tiền chuộc, ông Al Rasheed Sakalahul, Phó tỉnh trưởng tỉnh Basilan, nói ông thấy chỉ có 4 triệu peso (khoảng 100.000 USD) được đếm trước mặt đại diện ASG và em vợ ông Rodwell, còn 3 triệu peso đi đâu thì không biết. Theo Rappler, có lẽ nó rơi vào tay cò trung gian và ai đó phía Philippines.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-5

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo