Từ cuối năm 2015, Utrecht - một trong những thành phố lớn nhất Hà Lan - thử nghiệm chương trình trả cho người dân một số tiền cố định để giảm chi phí phúc lợi xã hội.
Giảm gánh nặng
Ý tưởng của Utrecht thu hút sự chú ý nhưng không phải là cá biệt. Mới đây, đài CNN đưa tin các nhà chức trách Phần Lan đang xem xét kế hoạch chi trả cho mỗi công dân 800 euro (gần 20 triệu đồng) mỗi tháng.
Theo đề xuất được đưa ra vào cuối năm 2015 này, khoản tiền trên sẽ thay thế cho các khoản phúc lợi xã hội khác dành cho công dân trong độ tuổi trưởng thành ở Phần Lan. Chính phủ nghĩ rằng làm như vậy sẽ đơn giản hóa các thủ tục trong hệ thống phúc lợi xã hội vốn rất phức tạp và tốn kém của Phần Lan, nhờ đó cắt giảm chi phí. Họ cũng hy vọng sự thay đổi này có thể khuyến khích nhiều người đi làm hơn.
Theo họ, một số người Phần Lan thà nhận trợ cấp thất nghiệp còn hơn đi làm với mức lương tối thiểu. Hiện có khoảng 9,5% dân số Phần Lan thất nghiệp - tỉ lệ cao nhất hơn một thập kỷ qua.
Thụy Sĩ sẽ là nước đầu tiên trên thế giới có thu nhập cơ bản vô điều kiện hằng tháng cho người dân nếu được thông quaẢnh: THE GUARDIAN
Trong khi Phần Lan dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 11 thì Thụy Sĩ sẽ bỏ phiếu về việc cấp lương cơ bản cho người dân - kể cả trong trường hợp không làm việc - vào tháng 6 tới. Thụy Sĩ đưa ra đề xuất này từ năm 2013; theo đó, mức lương cơ bản người dân trưởng thành Thụy Sĩ nhận được là hơn 2.400 USD (hơn 54 triệu đồng)/tháng.
Ngay từ khi sáng kiến về thu nhập cơ bản vô điều kiện (UBI) xuất hiện, các nhà kinh tế học, giới phân tích kinh tế hết sức phấn khích. “Thu nhập cơ bản sẽ giúp mọi người lý trí hơn, có cái nhìn dài hơi và chuẩn bị tốt hơn cho rủi ro kinh doanh” - giáo sư Guy Standing thuộc Trường ĐH London (Anh) nhận xét. Trích dẫn các trường hợp nghiên cứu tại Ấn Độ, Mỹ, Canada và một số nước châu Âu, ông Standing lập luận thu nhập cơ bản sẽ làm giảm bất bình đẳng thu nhập và tiếp thêm “lửa” cho nhân viên có trình độ.
Tranh luận gay gắt
Bất bình đẳng thu nhập gia tăng chính là lo ngại của những người ủng hộ UBI ở Thụy Sĩ. Các nghiệp đoàn thương mại nước này cho biết từ năm 1996-2010, thu nhập của 1% người có thu nhập hàng đầu tăng đến 39% trong khi những người có thu nhập ở dưới đáy tăng chưa đến 10%. Người dân Thụy Sĩ cũng tức giận trước việc chênh lệch về mức thụ hưởng ngày càng nới rộng giữa lãnh đạo và nhân viên được trả lương thấp nhất trong doanh nghiệp.
Ngược lại, theo trang basicincome.org, Hạ viện Thụy Sĩ bỏ phiếu kêu gọi người dân phản đối UBI vào cuối tháng 9-2015. Những người chỉ trích đề xuất e rằng UBI sẽ triệt tiêu động lực làm việc. Trước lo lắng này, phe ủng hộ khẳng định mọi người vẫn sẽ muốn làm việc và có việc làm. Cuộc thăm dò do báo The Local công bố cho thấy phần đông người Thụy Sĩ vẫn sẽ làm việc và tìm việc ngay cả khi được nhận thu nhập bảo đảm, chỉ 2% người được khảo sát chọn cách bỏ việc và 8% nói họ “có thể cân nhắc nghỉ việc tùy theo hoàn cảnh thực tế”.
Trang tin Bloomberg dẫn nghiên cứu ở Uganda cho thấy những người được trợ giúp thu nhập cơ bản có điều kiện phát triển đời sống hơn. Những người này cũng có xu hướng làm việc và kiếm tiền nhiều hơn so với người không có thu nhập cơ bản hỗ trợ.
Nói như ông Liliane Maury Pasquier, thành viên chính phủ liên bang thuộc đảng Dân chủ xã hội Thụy Sĩ, “ý tưởng cung cấp một khoản thu nhập vô điều kiện cho mọi công dân là đơn giản và công bằng. Đó là một dự án về tự do xã hội và tập trung phát triển người. Đó là những giá trị xã hội cốt lõi, những lý tưởng chuyển động cả thế giới mà không mảy may liên quan tới chính trị”. “Thế nhưng, thật không may, những chính trị gia bị điều khiển bởi chủ nghĩa dân túy và nỗi sợ hãi lại không dành chỗ cho những điều không tưởng” - ông Pasquier cảm thán.
Bình luận (0)