Khi đó, côn trùng sẽ tấn công cây trồng ở Bắc Mỹ và châu Âu nhiều hơn.
Cụ thể, khi nhiệt độ bình quân toàn cầu tăng thêm 1 độ C, tỉ lệ lúa mì, bắp và lúa bị phá hoại sẽ dao động từ 10%-25%. Ba loại cây trồng chính này chiếm 42% lượng calo con người ăn mỗi ngày nên bất kỳ sự khan hiếm nào cũng đe dọa an ninh lương thực và tăng nguy cơ xung đột, đặc biệt là ở những khu vực nghèo.
Để đi đến kết luận đáng lo trên, các nhà khoa học tại 3 trường ĐH Washington, Vermont, Colorado (đều ở Mỹ) đã nghiên cứu những thay đổi do nhiệt độ gây ra đối với quá trình trao đổi chất và tốc độ tăng trưởng của 38 loài côn trùng ở nhiều vùng khác nhau. Ông Curtis Deutsch, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cho biết nhiệt độ tăng thúc đẩy tốc độ trao đổi chất và sinh sản ở côn trùng, từ đó côn trùng xuất hiện nhiều hơn và ăn nhiều hơn.
Một nông dân Pháp đang thu hoạch lúa mì ở vùng Vauvillers hồi cuối tháng 7 Ảnh: REUTERS
Đáng chú ý, châu Âu sẽ chứng kiến côn trùng gây thiệt hại đến 16 triệu tấn lúa mì/năm. Riêng mức thiệt hại tại 11 quốc gia châu Âu tăng lên ít nhất 75% so với hiện nay. Còn tại Mỹ, sản lượng bắp bị thiệt hại bởi côn trùng có thể tăng 40%, tương đương 20 tấn/năm. Sản lượng gạo của Trung Quốc có thể thiệt hại 27 triệu tấn/năm.
Ông Markus Riegler, chuyên gia tại Trường ĐH Tây Sydney (Úc), nhận định vấn đề có thể nghiêm trọng hơn những dự báo của cuộc nghiên cứu. Theo đài NBC News (Mỹ), ông Riegler cho rằng những dự đoán dựa trên tốc độ tăng trưởng và trao đổi chất chưa bao gồm thiệt hại do những côn trùng mang mầm bệnh gây ra. Trước mắt, nhóm nghiên cứu khuyên nông dân cần thay đổi biện pháp canh tác để đối phó nguy cơ trên khi Trái đất nóng dần lên.
Bình luận (0)