Dựa trên ý tưởng được đưa ra hồi năm 2009 về 9 ranh giới dành cho trái đất mà nếu bị phá vỡ sẽ đe dọa sự tồn vong của nhân loại, một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Science gần đây chỉ ra rằng hoạt động của con người đang thay đổi các chức năng hành tinh, gây xáo trộn sự tương tác phức tạp giữa con người, đại dương, đất đai và không khí.
Không thể đảo ngược
Theo các tác giả (một nhóm nghiên cứu quốc tế gồm 18 chuyên gia hàng đầu), đã có 4 ranh giới bị vượt qua là biến đổi khí hậu, sự tuyệt chủng các loài, thay đổi hệ thống đất đai và ô nhiễm phân bón. 3 ranh giới vẫn nằm trong giới hạn an toàn là sử dụng nước ngọt, sự axit hóa đại dương và suy giảm tầng ozone. Riêng 2 ranh giới còn lại là ô nhiễm không khí và sử dụng vật liệu mới (vật liệu nano, vật liệu phóng xạ…) chưa được đánh giá đúng mức.
Theo báo cáo, hiện trạng này đã đẩy trái đất đi vào “vùng nguy hiểm” và không có cơ hội “đảo ngược tình thế”. “Tôi không nghĩ rằng trái đất đã bị phá hủy nhưng chúng ta đang tạo ra một thế giới có nhiều khó khăn hơn” - bà Sarah Cornell, một trong những tác giả báo cáo và đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khả năng thích ứng Stockholm (Thụy Điển), nhận định.
Tốc độ tuyệt chủng nhanh của động thực vật là một nguyên nhân khiến trái đất gặp nguy hiểm
Ảnh: BIO.ORG
Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu và sự tuyệt chủng của các loài. Theo nghiên cứu, nồng độ khí nhà kính - chủ yếu là CO2, đã tăng đến khoảng 397 ppm (phần triệu) trong khí quyển, lớn hơn ranh giới an toàn mà nghiên cứu đưa ra là 350 ppm. Trong khi đó, tốc độ tuyệt chủng của các loài động thực vật - do những nguyên nhân như ô nhiễm, nạn phá rừng… - đang cao hơn ranh giới an toàn từ 10-100 lần.
Nền văn minh bị đe dọa
Theo nghiên cứu, trái đất từng ở “trạng thái ổn định” gần 12.000 năm. Tuy nhiên, chuyên gia Steve Carpenter, một thành viên nhóm nghiên cứu và hiện là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hồ nước thuộc Trường ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ), cho rằng điều này đã thay đổi khoảng 100 năm trước đây, thời điểm diễn ra mọi sự kiện quan trọng đối với nền văn minh, từ nông nghiệp cho đến cách mạng công nghiệp.
“Chúng ta đang sắp vượt ra ngoài ranh giới lý sinh học vốn cho phép nền văn minh của loài người tồn tại” - ông Carpenter cảnh báo. Tương tự, ông Johan Rockstrom, giáo sư khoa học môi trường tại Trường ĐH Stockholm (Thụy Điển), nói với đài RT (Nga): “Chúng ta đang ở thời điểm có thể chứng kiến sự thay đổi đột ngột và không thể đảo ngược do biến đổi khí hậu”.
Theo đài RT, báo cáo trên đã được dùng như một hồi chuông cảnh tỉnh các nhà hoạch định chính sách tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới kết thúc ở Davos - Thụy Sĩ. Ngoài ra, nội dung của nó có thể được đưa vào chiến lược toàn cầu sắp tới của Liên Hiệp Quốc, dự kiến công bố vào tháng 9-2015.
Chưa hết, những cảnh báo này chắc chắn sẽ được bàn đến khi đại diện 200 nước nhóm họp tại Paris - Pháp vào cuối năm nay để tìm kiếm thỏa thuận cắt giảm khí nhà kính thải, vốn bị quy trách nhiệm gây ra lũ lụt, hạn hán, đợt nắng nóng và nước biển dâng cao.
Hưởng lợi từ… biến đổi khí hậu
Năm 2014 là năm nóng nhất từng được ghi nhận và biến đổi khí hậu đang trở thành nỗi lo của toàn nhân loại. Tuy nhiên, theo đài CNN, một số lĩnh vực có thể hưởng lợi từ điều này như vận tải biển, công nghệ sinh học, dầu khí, xây dựng, thiết bị tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ sự sinh tồn của con người...
Một khi trái đất “lâm nguy”, các công ty đang sản xuất những sản phẩm giúp con người sống sót trong hoàn cảnh khó khăn sẽ cực kỳ có giá, như loại máy phát điện độc lập giữ cho đèn sáng sau khi bão tố đánh sập mọi nguồn năng lượng.
Bình luận (0)