Cả Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Tổ chức Hàng không vũ trụ phi lợi nhuận Aerospace Corporation (trụ sở tại California - Mỹ) đều thu hẹp phạm vi dự đoán về thời điểm trạm không gian Thiên Cung 1 sẽ rơi xuống Trái Đất, cụ thể là từ ngày 30-3 đến 1-4. Tuy nhiên, cả 2 cơ quan này đều chưa thể dự báo chính xác thời điểm rơi do có quá nhiều biến số.
Ảnh minh họa Thiên Cung 1 - Trạm không gian vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: China Manned Space Agency
Theo giải thích của Aerospace Corporation, do có rất nhiều yếu tố không chắc chắn nên rất khó dự đoán chính xác thời điểm một vật thể không gian quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất.
Đầu tiên là sự biến động đáng kể mật độ các lớp trên cùng của khí quyển.
Thứ hai là hướng di chuyển của vật thể đó qua thời gian và thông số chính xác về trọng lượng các chất liệu và vật chất cấu thành vật thể cũng biến đổi đáng kể.
Thứ ba là sự không chắc chắn về vị trí chính xác và tốc độ của trạm không gian hiện nay. Tổng hợp lại, 3 yếu tố này tạo nên sự không chắc chắn về thời điểm trạm không gian sẽ rơi.
Mô hình trạm không gian Thiên Cung 1. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đã mất khả năng kiểm soát đối với trạm không gian Thiên Cung 1 từ năm 2016 khi tín hiệu liên lạc giữa kiểm soát mặt đất và trạm bị dừng đột ngột không có cảnh báo trước. Hiện tại có vẻ như đội kiểm soát mặt đất sẽ không làm được gì nhiều trong việc kiểm soát Thiên Cung 1 khi nó chệch khỏi quỹ đạo.
Nhiều khả năng trạm sẽ vỡ tan và bốc cháy khi tiếp xúc với khí quyển Trái Đất. Cũng có khả năng một số mảnh vỡ nhỏ của nó không cháy hết mà sẽ chạm đến được mặt đất nhưng khả năng gây thiệt hại về người và tài sản là rất thấp.
Rất có thể khi trạm vỡ và bốc cháy sẽ làm sáng rực một vùng trời. Tuy nhiên, vị trí trạm sẽ rơi cũng khó dự đoán như thời điểm nó sẽ rơi vậy. Phạm vi rơi dự đoán của các mảnh vụn của Thiên Cung 1 khá rộng với bán kính vài trăm km từ Bắc Mỹ đến Nam Âu và cả một phần của Nam Mỹ và New Zealand.
Tuy nhiên, vấn đề đang khiến nhiều người lo ngại hơn cả là hóa chất cực độc trong trạm không gian Thiên Cung-1 có thể sống sót và theo các mảnh vỡ mang hiểm họa xuống trái đất. Hóa chất có tên hydrazine này thường được dùng trong nhiên liệu rốc-két và việc phơi nhiễm nó thời gian dài được cho là có thể gây ung thư ở người
Trung Quốc phóng trạm vũ trụ Thiên Cung-1 năm 2011 Ảnh: REUTERS
ESA và Aerospace Corporation đều hứa sẽ cập nhật liên tục trong tuần tới. Dù không thể đưa ra thời điểm chính xác trạm Thiên Cung 1 sẽ rơi lúc nào, chí ít họ cũng có thể thu hẹp được phạm vi dự đoán.
Bình luận (0)