Theo trang Bloomberg, Iraq đã xuất 3,98 triệu thùng dầu thô/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 12-2016. Trong khi đó, sản lượng dầu xuất khẩu của Iran tăng lên 2,28 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 2-2017. Ở chiều ngược lại, Ả Rập Saudi xuất khẩu 6,68 triệu thùng/ngày, mức thấp thứ hai trong năm nay.
Động thái trên của Iran và Iraq cho thấy tình trạng căng thẳng nội bộ của Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giữa lúc Ả Rập Saudi - được xem là thủ lĩnh OPEC và là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - nỗ lực tái cân bằng thị trường toàn cầu.
Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi hôm 9-10 thông báo Công ty Dầu Aramco dự định cắt giảm đến 560.000 thùng dầu bán cho khách hàng mỗi ngày từ tháng tới. Với bước đi này, Aramco sẽ cung cấp 7,15 triệu thùng/ngày mặc dù nhu cầu thị trường đang vượt qua mức 7,7 triệu thùng.
Ả Rập Saudi đang giảm cả sản lượng dầu khai thác lẫn xuất khẩu Ảnh: THE WILL
Ả Rập Saudi và các nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga, đang giảm sản lượng theo một thỏa thuận nhằm nâng giá dầu. Tuy nhiên, do một số quốc gia không giữ lời hứa cắt giảm, cùng với sự gia tăng sản lượng khai thác ở Libya và Nigeria, Ả Rập Saudi đang đối mặt sức ép phải cắt giảm sản lượng hơn nữa.
"Iraq và Iran đều tận dụng cơ hội bán dầu vào những thị trường - nơi khách hàng không còn mua dầu từ Ả Rập Saudi với số lượng như trước. Chúng tôi nhận thấy sản lượng dầu xuất khẩu của Ả Rập Saudi giảm đi trong suốt mấy tháng qua giữa lúc nước này tập trung vào quá trình tái cân bằng" - ông Richard Mallinson, nhà phân tích tại Công ty Energy Aspects (Anh), nhận xét.
Lượng dầu Ả Rập Saudi xuất sang Mỹ đã giảm trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8-2017. Trái lại, hồi tháng 9-2017, Iraq xuất khẩu sang Mỹ 871.000 thùng dầu thô/ngày, qua mặt Ả Rập Saudi tháng thứ hai liên tiếp. Iraq cũng vượt Ả Rập Saudi, trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ từ đầu năm đến nay. Theo đó, Iraq bán cho Ấn Độ bình quân 794.000 thùng/ngày, so với mức 738.000 thùng/ngày của Ả Rập Saudi.
Iran cũng đang cạnh tranh quyết liệt với Ả Rập Saudi ở Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua, Iran xuất sang Trung Quốc 600.000 thùng dầu/ngày, so với 833.000 thùng/ngày từ Ả Rập Saudi.
Một khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng nêu trên hết hạn vào tháng 3-2018, Ả Rập Saudi có thể tăng cường khai thác và đạt được mức cao kỷ lục 10,7 triệu thùng/ngày như hồi tháng 7-2016. Tuy nhiên, OPEC dự kiến nhóm họp trong tháng 11 để bàn về khả năng tiếp tục gia hạn thỏa thuận.
Bình luận (0)