Trang Tuotiao.com, trụ sở ở Bắc Kinh, gần đây đăng bài viết có tựa đề "Tại sao Kyrgyzstan không quay về với Trung Quốc sau khi độc lập?".
Bài viết giải thích rằng thời Đế quốc Mông Cổ, 510.000 km vuông của Kyrgystan (tương đương toàn bộ lãnh thổ nước này) là một phần lãnh thổ Trung Quốc nhưng bị đế quốc Nga chiếm giữ. Bài viết cho rằng cũng như Mông Cổ, Kyrgystan từng là một phần lãnh thổ Trung Quốc.
Toutiao.com là nền tảng di động hàng đầu Trung Quốc về nội dung với số lượng người đọc lên đến 750 triệu.
Đại sứ Trung Quốc tại Kazakhstan Zhang Xiao (trái) tại cuộc gặp quan chức ngoại giao nước chủ nhà hôm 14-4. Ảnh: inform.kz
Trong khi đó, trang Sohu.com (cũng đặt trụ sở ở Bắc Kinh) cũng cho đăng bài viết có tựa đề: "Tại sao Kazakhstan háo hức quay về với Trung Quốc?", trong đó có nội dung cho rằng "Kazakhstan nằm trên phần lãnh thổ mà trước đây thuộc về Trung Quốc".
Chính phủ Kazakhstan hôm 14-4 đã triệu Đại sứ Trung Quốc Zhang Xiao đến để phản đối nội dung này.
Các nước Trung Á đang được Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ nhưng điều này cũng khiến họ "dễ bị tổn thương về mặt tài chính".
Kyrgystan đã mượn 1,7 tỉ USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, tương đương 43% tổng số nợ bên ngoài của nước này. Ngoài ra, Trung Quốc còn đóng vai trò lớn trong lĩnh vực năng lượng ở Kazakhstan.
Người dân Nepal có phản ứng giận dữ khi đài CGTN (Trung Quốc) nói đỉnh Everest "nằm trong vùng tự trị Tây Tạng của Trung Quốc". Ảnh: Reuters
Người dân Nepal gần đây cũng có phản ứng giận dữ khi đài CGTN (Trung Quốc) nói đỉnh Everest "nằm trong vùng tự trị Tây Tạng của Trung Quốc" trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội Twitter hôm 2-5. Thông điệp này đã được xóa sau đó và thay bằng nội dung đỉnh Everest "nằm tại biên giới Trung Quốc - Nepal".
Dù vậy, làn sóng phẫn nộ của người Nepal vẫn tiếp tục tăng mạnh và dẫn tới xu hướng gắn hashtag #backoffchina (tạm dịch "Trung Quốc tránh ra") trên mạng Twitter. Một số người thậm chí đã kêu gọi đại sứ Trung Quốc tại Nepal làm rõ vấn đề.
Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nepal liên quan tới đỉnh Everest bắt đầu vào những năm 1960. Khi đó, Thủ tướng Nepal Bishweshwar Prasad Koirala tuyên bố chủ quyền với đỉnh núi này trong chuyến thăm tới Trung Quốc.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc được cho là từng đề nghị chia đôi Everest thành 2 nửa, phần phía Nam thuộc về Nepal trong khi phía Bắc do Trung Quốc quản lý. Ngoài ra, Bắc Kinh đề xuất đổi tên đỉnh Everest thành núi hữu nghị Trung Quốc-Nepal.
Bình luận (0)