Trước đó, bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN ủng hộ việc thiết lập đường dây nóng liên lạc ở cấp Bộ Ngoại giao để xử lý những tình huống khẩn cấp trên biển Đông và việc tuân thủ CUES - một sáng kiến của Singapore. Các bộ trưởng đều cho đây là “những biện pháp thiết thực làm giảm căng thẳng, rủi ro xảy ra sự cố, hiểu lầm và tính toán sai”.
GMA News dẫn nhận định của giáo sư Carl Thayer thuộc Trường ĐH New South Wales (Úc) cho biết đường dây nóng và CUES ở biển Đông “là những bước đi đúng hướng đầu tiên”.
Cuộc họp giữa các quan chức cấp cao Trung Quốc - ASEAN tại TP Mãn Châu Lý hồi giữa tháng 8 Ảnh: Asean.org
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc giục Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện về biển Đông giữa Bắc Kinh và Manila. Phát biểu trước các sinh viên ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ, ông Kerry nhận định phán quyết là “cơ hội lớn để duy trì trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ hiện hành, chứng tỏ sự tôn trọng luật pháp quốc tế và ủng hộ ổn định, thịnh vượng trong khu vực”.
Trung Quốc cho đến giờ vẫn bác bỏ phán quyết PCA bất chấp sự thúc giục của cộng đồng quốc tế, trong đó có Philippines. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay vào đầu tuần này nói cứng rắn rằng chỉ khi nào Trung Quốc chấm dứt các hành động khiêu khích thì Manila mới chấp nhận đàm phán song phương với Bắc Kinh.
Giữa lúc tình hình biển Đông vẫn căng thẳng, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ cử một số chiến hạm, trong đó có tàu chống ngầm, đến vùng biển này để tập trận hải quân với Trung Quốc từ ngày 11 đến 19-9. Theo các nhà phân tích, lực lượng Nga tập trận có quy mô tương đối nhỏ và không có sự tham gia của những tàu chiến mới nhất, qua đó cho thấy Moscow muốn duy trì cân bằng trong quan hệ với các bên có tranh chấp ở biển Đông.
Bình luận (0)