Thả quả cầu pha lê là một trong những hoạt động chào đón năm mới nổi tiếng nhất của TP New York - Mỹ. Năm nay, sự kiện này vẫn được tổ chức tại Quảng trường Thời Đại nhưng chỉ cho phép một nhóm "cực kỳ hạn chế" những người được vinh danh tham dự, nhiều khả năng là đội phản ứng nhanh và nhân viên y tế.
Những người còn lại sẽ phải theo dõi sự kiện qua truyền hình. Sở Cảnh sát New York (NYPD) gợi nhắc người dân rằng họ không được phép đến Quảng trường Thời Đại năm nay để theo dõi các hoạt động mừng năm mới.
Quãng trường Trafalgar ở thủ đô London - Anh cũng là một trong những địa điểm tổ chức lễ đón giao thừa nổi tiếng, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia. Thành phố này thường đốt khoảng 2.000 quả pháo hoa trong một màn trình diễn thông thường nhưng năm nay con số này là 0.
Giữa lúc tình hình Covid-19 tại Anh diễn biến vô cùng phức tạp vì biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Thị trưởng London Sadiq Khan kêu gọi mọi người ở nhà để chào đón năm mới "một cách an toàn".
Thử nghiệm thả hoa giấy để chuẩn bị đón năm mới 2021 tại Quảng trường Thời đại ở TP New York - Mỹ hôm 29-12 Ảnh: REUTERS
Biến thể mới nói trên cũng là nguyên nhân khiến giới chức Sydney, thành phố lớn nhất nước Úc, ban hành lệnh thắt chặt các biện pháp hạn chế. "Chúng tôi không muốn lễ chào đón năm mới trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm" - Thủ hiến New South Wales Gladys Berejiklian nhấn mạnh trong lúc thông báo các biện pháp hạn chế mới.
Theo Reuters, kể từ ngày 30-12 đến ngày có thông báo mới, người dân Sydney không được phép tụ tập quá 5 người trong các hộ gia đình và quá 30 người tại nơi công cộng. Dù vậy, giới chức Sydney vẫn lên kế hoạch triển khai màn trình diễn pháo hoa thông thường kéo dài 7 phút. Người dân sẽ được phép theo dõi trực tiếp nếu họ có thể đặt bàn tại các địa điểm thuộc "vùng xanh" trong khu vực. Nếu không, họ sẽ phải theo dõi pháo hoa qua truyền hình.
Vì sự gia tăng số ca Covid-19 tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản, giới chức thành phố này ra lệnh hủy không chỉ với mọi chuyến tàu trong đêm giao thừa mà còn với nhiều buổi tiệc đếm ngược, chương trình ca nhạc cùng nhiều sự kiện chào mừng năm mới khác. "Tình hình dịch đang cực kỳ nghiêm trọng. Chúng ta đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn chưa từng thấy" - Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cảnh báo hôm 30-12, đồng thời kêu gọi người dân ở nhà nhiều nhất có thể trong suốt mùa lễ hội cuối năm.
Trong bối cảnh thế giới sắp trải qua một lễ đón giao thừa rất khác, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 29-12 kêu gọi cộng đồng quốc tế biến 2021 thành "năm chữa lành".
Bình luận (0)