Trong phiên họp sáng 16-3, Hội đồng châu Âu (EC) đã dành nhiều thời gian thảo luận về những bài học đầu tiên rút ra từ sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 do thảm họa kép động đất và sóng thần.
Nhiều ý kiến trái chiều
Nghị sĩ châu Âu Lothar Bisky (Đảng Cánh tả Thống nhất Đức) nhận định rằng sự cố ở Fukushima 1 là một thảm họa do thiên tai nhưng đồng thời cũng do con người gây ra. “Nó chứng minh rằng những cỗ máy quái quỷ (nhà máy điện hạt nhân) mà chúng ta cũng có ở châu Âu là (nguy hiểm) như thế nào” – nghị sĩ Lothar Bisky nhấn mạnh.
Nghị sĩ Hannes Swoboda (Đảng Xã hội Áo) yêu cầu các nhà máy điện hạt nhân châu Âu bắt buộc phải có thiết bị thử mức độ an toàn. Nghị sĩ cũng kêu gọi phát triển các loại năng lượng tái tạo chứ không nên phụ thuộc vào năng lượng điện hạt nhân.
Tuy nhiên, nghị sĩ Joseph Daul (Đảng Nhân dân Pháp) cảnh báo rằng “cuộc thảo luận nếu chỉ dựa vào cảm tính có thể làm chúng ta xa rời thực tế là không thể không phụ thuộc vào điện hạt nhân”.
Các nhà lãnh đạo Hội đồng châu Âu (từ trái sang: Jose Manuel Barroso, Herman Van Rompuy
và Jerzy Buzek) mặc niệm nạn nhân sóng thần Nhật Bản ngày 16-3. Ảnh: P.E
Trước tình hình khủng hoảng hạt nhân ở Nhật ngày càng nghiêm trọng, các bộ trưởng Liên hiệp châu Âu (EU) quyết định sẽ tổ chức một hội nghị bất thường vào ngày 21-3 tới tại Brussels (Bỉ) để rút kinh nghiệm về sự cố hạt nhân Fukushima 1.
Theo ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch EC, hội nghị sẽ tập trung thảo luận về những hệ quả của sự cố trong lĩnh vực năng lượng, về thị trường năng lượng hạt nhân và các giải pháp đối phó.
Hội nghị cũng sẽ thảo luận về việc tổ chức thử mức độ an toàn bắt đầu từ quý II năm nay nhằm đánh giá sức chịu đựng của các nhà máy điện hạt nhân khi có lũ lụt, lưới điện bị sập, động đất và sóng thần, tùy theo vị trí của nhà máy.
Ông Rompuy cho biết thêm những vấn đề kể trên cũng sẽ được thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 24 và 25-3.
Chính trường Pháp nổi sóng
Sự cố hạt nhân ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 làm cả châu Âu run sợ. Hai câu hỏi cấp bách đặt ra là các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu có an toàn? Có nên từ bỏ năng lượng hạt nhân?
Pháp là nước đạt nhiều kỷ lục thế giới trong lĩnh vực điện hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân cung cấp 87,1% sản lượng điện trong nước, đạt tỉ lệ cao nhất ở châu Âu và thế giới.
Pháp hiện có 19 nhà máy với 58 lò phản ứng đang hoạt động. Tổng thống Nicolas Sarkozy là người bảo vệ chương trình hạt nhân vì nhân sinh mạnh mẽ nhất.
Ông khẳng định rằng các nhà máy của Pháp rất an toàn vì có nhiều nhà máy thuộc thế hệ mới EPR. Sở dĩ ông Sarkozy mạnh miệng vì 67% dân chúng Pháp từng đồng ý duy trì các nhà máy điện hạt nhân.
Nhưng sự cố Fukushima 1 đã tiếp sức cho các tổ chức bảo vệ môi trường dấy lên một cuộc tranh cãi mới. 48 giờ sau sự cố Fukushima 1, nhà sinh thái học Nicolas Hulot tuyên bố: “Chí ít cần tổ chức một cuộc thảo luận cấp quốc gia hay một cuộc trưng cầu ý dân về điện hạt nhân”.
Nhiều Tổ chức Bảo vệ môi trường như Hòa bình Xanh tố cáo chính phủ cung cấp quá ít thông tin đáng tin cậy, thẩm định không đúng mức nghiêm trọng của sự cố hạt nhân ở Nhật.
Họ dẫn số liệu của Cơ quan An ninh Hạt nhân (ASN) cho biết trong năm 2010 đã có trên 1.000 sự cố kỹ thuật ở các nhà máy điện hạt nhân Pháp, trong đó có 3 vụ cấp 2/7 (7 là cấp nguy hiểm cao nhất). Những sự cố đó đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Ông Benoit Hamon, người phát ngôn của Đảng Xã hội, tuyên bố: “Cần phải thanh - kiểm tra các nhà máy điện hạt nhân để đánh giá thực trạng một cách chính xác. Ngay bây giờ, chúng tôi không ủng hộ việc từ bỏ năng lượng hạt nhân”.
60.000 người biểu tình ở Đức
Tại Đức, năm 2000, quốc hội đã đồng ý với đề xuất của chính phủ ông Gerhard Schroder kéo dài hoạt động của 17 nhà máy điện hạt nhân đến năm 2021 rồi đóng cửa hết. Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật là cái cớ để các tổ chức vì môi trường và dân chúng thúc ép chính phủ từ bỏ điện hạt nhân ngay.
Theo tuần báo Der Spiegel, ngày 12-3, đã có 60.000 người xuống đường ở Bade-Wurtemberg, miền Nam nước Đức, phản đối điện hạt nhân.
Trong bối cảnh có đến 53% dân chúng đòi từ bỏ ngay điện hạt nhân sau sự cố Fukushima 1, nữ Thủ tướng Angela Merkel thông báo tạm ngưng 3 tháng việc kéo dài tuổi thọ của 17 nhà máy điện hạt nhân mà Quốc hội Đức chấp thuận hồi năm 2000.
Bảy nhà máy cổ lỗ nhất sẽ bị đóng cửa. Chính phủ Liên minh cầm quyền của bà Merkel từng có ý định duy trì điện hạt nhân, giờ đây gặp rắc rối to.
Tình hình tương tự cũng đã diễn ra tại Tây Ban Nha. Thủ tướng Zapatero từng hứa hẹn sẽ từ bỏ điện hạt nhân trong các cuộc vận động bầu cử hôm 13-3 đã bị Tổ chức Hòa bình Xanh yêu cầu thực hiện lời hứa ngay. Thật ra, ông Zapatero muốn duy trì 6 nhà máy điện hạt nhân hiện có.
Ý là nước duy nhất từ bỏ điện hạt nhân từ năm 1987. Nhưng chính phủ ông Berlusconi giờ đây muốn “gia nhập hệ thống điện hạt nhân châu Âu” như khẳng định của ông Bộ trưởng Môi trường Ý bất chấp phản đối của các đảng đối lập. Một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này sẽ được tổ chức trong vài tháng tới.
Kỳ tới: Không dễ từ bỏ
Bình luận (0)