Khi công bố những cải cách về quy định thuế dành cho người nước ngoài sống tại Anh mới đây, Bộ trưởng Tài chính George Osborne khẳng định sẽ không làm tổn hại đến sức hút tiềm ẩn của London trong việc thu hút người nước ngoài giàu có “đóng góp cho nền kinh tế đất nước”.
Ưu đãi thuế, bán quốc tịch
Anh không phải là quốc gia duy nhất trải thảm đỏ mời gọi người nước ngoài lắm tiền nhiều của. Bồ Đào Nha, Israel, Pháp và mới đây là Cyprus đều có những ưu đãi thuế đối với người nước ngoài.
Bên cạnh chính sách này, theo báo Financial Times (Anh), khoảng phân nửa thành viên Liên minh châu Âu (EU) còn bán cả quyền cư trú. Một số nước khác thực thi chính sách “đổi tiền lấy hộ chiếu” kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tại Cyprus, những nhà đầu tư nước ngoài giàu có bị tổn thất khi gửi tiền ở các ngân hàng nước này được bù đắp bằng đề nghị nhập quốc tịch.
Các biển hiệu bằng chữ Trung Quốc treo phía trước nhà dân gần quảng trường Martim Moniz
tại thủ đô Lisbon - Bồ Đào Nha Ảnh: Bloomberg
Riêng đảo quốc Antigua ở vùng Caribbean đang chào hàng một trong những chương trình đổi quốc tịch lấy đầu tư được ưa chuộng nhất. Khoảng 365 bãi biển tại “thiên đường nhiệt đới” này sẵn sàng đến tay bất cứ công dân mới nào sống ở đây ít nhất 5 ngày trong mỗi 5 năm. Kể từ khi ra đời năm 2014, chương trình đã bán được hơn 500 hộ chiếu cho nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và một số nước khác, thu về cho hòn đảo thiếu tiền mặt này khoảng 66 triệu USD.
Ông Christian Kalin, chuyên gia về di cư và quốc tịch của công ty đa quốc gia Henley Partners, cho biết mỗi năm có hàng ngàn người tìm cách xin thêm hộ chiếu với lý do tìm nơi sống an ninh hơn được miễn thị thực du lịch hoặc giảm thuế.
Theo một báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), người Trung Quốc, Nga và Trung Đông đang tích cực tìm kiếm thêm quốc tịch bằng cách bỏ tiền đầu tư ở nước ngoài. Công dân từ những nước phát triển cũng chung hành động, với động cơ chủ yếu là tiết kiệm tiền thuế.
Nỗi lo trốn thuế
Những tranh cãi xung quanh việc bán quyền cư trú hoặc quốc tịch không hề thiếu. Nhà chức trách Bồ Đào Nha đã tiến hành một số vụ bắt giữ liên quan đến chương trình “visa vàng” vào tháng 11 năm ngoái. Cũng năm rồi, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo doanh nhân đến từ Iran tìm cách lợi dụng chương trình cấp quốc tịch tại Liên bang Saint Kitts và Nevis (một đảo quốc ở khu vực Caribbean) để né tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế. Nghị viện châu Âu vào năm 2014 đã thông qua nghị quyết chỉ trích Malta vì “rao bán hộ chiếu EU”.
Thuế má cũng gây nhiều lo ngại ngay cả khi IMF nhận định việc các chính phủ tăng cường thực thi luật minh bạch tài chính và quy định chống trốn thuế đã giúp giảm bớt số trường hợp lợi dụng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài để làm chuyện phi pháp.
Tổ chức Tax Justice Network (TSN, tạm dịch: Mạng Công lý thuế), trụ sở ở Anh, lo lắng quyền cư trú đang mở đường cho những người muốn tránh né những quy định mới về sự minh bạch.
Theo ông John Christensen, giám đốc TSN, những người trốn thuế sẽ chọn “một thiên đường thuế” nào đó làm quốc gia cư trú. “Việc bán quyền cư trú và ưu đãi thuế đang tạo ra những lỗ hổng thuế mới. Hiện trạng này đang trở nên phổ biến khắp thế giới” - ông Christensen cảnh báo.
Mua đất, gia súc ở Úc
Nhu cầu gia tăng về thực phẩm từ châu Á đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào lĩnh vực nông nghiệp ở Úc. Tập đoàn Hailiang Group, một trong 500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, đã mua số gia súc, đất trồng trọt trị giá hơn 40 triệu USD ở bang Queensland.
Trong khi đó, theo báo Financial Review, một tập đoàn Trung Quốc khác là Yiang Xiang Assets đã bỏ ra hơn 11,5 triệu USD để mua một trang trại gia súc ở ngoại ô TP Adelaide. Tháng 3 vừa qua, một quỹ lương hưu Canada đã mua cổ phần của Công ty Hewitt Cattle, có trụ sở ở bang Queensland và hiện sở hữu hơn 200.000 ha đất, 30.000 đầu gia súc.
Bình luận (0)