Giải Nobel Kinh tế 2019 đã được trao cho 3 chuyên gia Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer vì "cách tiếp cận thử nghiệm" trong vấn đề giảm nghèo trên toàn cầu. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hôm 14-10 đánh giá công trình nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học nói trên đã cải thiện đáng kể khả năng giảm nghèo toàn cầu - một trong những vấn đề cấp bách nhất của nhân loại lúc này.
Theo thống kê, hơn 700 triệu người đang có mức thu nhập cực kỳ thấp. Hằng năm, 5 triệu trẻ em vẫn tử vong khi chưa bước qua tuổi thứ 5 do các bệnh tật có thể phòng ngừa hoặc điều trị bằng các phương pháp không quá tốn kém. Theo thông cáo báo chí của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, các chuyên gia nói trên đã sử dụng cách tiếp cận mới nhằm có được những giải đáp tin cậy về cách thức tốt nhất chống lại nghèo đói trên toàn cầu. Hướng tiếp cận này chia nội dung thành những vấn đề nhỏ và có thể dễ xử lý hơn, như biện pháp can thiệp hiệu quả nhất để cải thiện kết quả học tập hoặc sức khỏe của trẻ em.
Lễ công bố giải Nobel Kinh tế tại thủ đô Stockholm - Thụy Điển hôm 14-10Ảnh: Reuters
Vào giữa những năm 1990, ông Michael Kremer và các đồng nghiệp đã chứng minh cách tiếp cận này mang lại hiệu quả mạnh mẽ ra sao trong việc cải thiện kết quả học tập của trẻ em ở miền Tây Kenya. Không lâu sau đó, Abhijit Banerjee và Esther Duflo thực hiện các nghiên cứu tương tự đối với các vấn đề khác và tại những quốc gia khác. Các phương pháp nghiên cứu thử nghiệm của họ hiện đang được sử dụng rộng rãi trong ngành kinh tế học phát triển.
Nỗ lực của 3 chuyên gia Abhijit Banerjee, Esther Duflo, Michael Kremer và các nhà khoa học khác đi theo con đường này đã góp phần cải thiện đáng kể khả năng giảm nghèo trong thực tế. Chẳng hạn như 5 triệu trẻ em Ấn Độ được hưởng lợi từ các chương trình dạy kèm rất hiệu quả tại trường học. Trong khi đó, nhiều nước đang cung cấp tài chính cho mô hình chăm sóc y tế dự phòng.
Ông Abhijit Banerjee (58 tuổi) sinh tại Ấn Độ và hiện làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại Mỹ. Bà Esther Duflo, một người Pháp 47 tuổi, là vợ ông Banerjee và cũng làm việc tại MIT. Riêng ông Michael Kremer, một người Mỹ 55 tuổi, hiện làm việc ở Trường ĐH Harvard (Mỹ). Với việc được trao giải Nobel cuối cùng của mùa giải năm nay, 3 nhà kinh tế học này chia đều giải thưởng khoảng 910.000 USD.
Đáng chú ý, theo báo The Guardian, bà Duflo là người trẻ tuổi nhất đoạt giải Nobel Kinh tế. Bà cũng là người phụ nữ thứ hai được trao giải này trong 50 năm qua. Khi được hỏi về những thành tựu đạt được, bà Duflo bày tỏ hy vọng mình trở thành nguồn cảm hứng để nhiều phụ nữ khác tiếp tục làm việc, thành công và nhận được sự tôn trọng xứng đáng. Bà nói thêm rằng giải thưởng này cũng công nhận đóng góp của hàng trăm nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giảm nghèo toàn cầu. "Đây là phong trào có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì ba người chúng tôi đã làm" - bà Duflo nói thêm.
Nhà kinh tế học này cũng giải thích công trình của bà và 2 ông Banerjee, Kremer đã tập trung tìm hiểu "các nguồn gốc sâu xa và có mối liên hệ với nhau của nghèo đói". "Cách tiếp cận của chúng tôi là xem xét từng vấn đề một và kiểm tra chúng một cách khoa học nhất" - bà giải thích.
Bình luận (0)