Tháng 3 vừa qua, Kaiwo (Hải vương) Maru II, một chiếc thuyền buồm lớn dùng để huấn luyện thủy thủ viễn dương của Nhật, trên đường đi từ Nhật Bản đến Honolulu, bang Hawaii (Mỹ), nhận được lệnh khẩn cấp trở về neo đậu tại cảng Onahama, tỉnh Fukushima để nhận nhiệm vụ mới: Đón tiếp những người hùng đến từ địa ngục hạt nhân Fukushima 1 sau những ngày làm việc vất vả đối mặt với hiểm họa phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng.
Lệnh là lệnh
Kaiwo Maru II có trọng tải 2.556 tấn, sơn màu trắng sang trọng và đài các với 4 cột buồm cao ngất ngưởng, về tới cảng ngày 21-3. Một hình ảnh siêu thực so với cảnh đổ nát hoang tàn không một bóng người chung quanh bến cảng do động đất và sóng thần ngày 11-3. Cảng Onahama nằm cách Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi (số 1) 50 km bị tàn phá khủng khiếp.
Nhiều chiếc tàu to đùng bị hất lên bờ như đồ chơi trẻ con. Tuần qua, một chiếc sà lan dài 50 m chở ống thép các loại vẫn còn nằm vắt ngang đường. Đường sá vào cảng bị nứt nẻ, gãy khúc. Nhân dân trong vùng sau một phen hoảng loạn vì động đất và sóng thần nay sống trong cảnh không điện, không nước cùng với nỗi lo sợ phóng xạ. Rất nhiều gia đình đã sơ tán nơi khác an toàn hơn.
Kỹ sư trưởng hàng hải Masashi Sugomori của chiếc Kaiwo Maru II chia sẻ: “Đây không phải là một nhiệm vụ an toàn vì không ai biết ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra. Vợ con tôi rất lo nhưng lệnh là lệnh”.
Chiếc Kaiwo Maru II tại bến cảng Onahama ngày 21-3. Con đường vào cảng sụp lở, đầy hố tử thần. Ảnh: Digital Life
Susuma Toya, 44 tuổi, một sĩ quan cao cấp khác trên thuyền, cho biết thêm: “Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp chỗ ăn ngủ, tắm rửa và thư giãn cho các kỹ sư trong nhóm Fukushima 50. Chúng tôi chẳng dám hỏi về công việc vì họ đang bị stress rất nặng. Chúng tôi chỉ biết cố gắng làm vơi đi nỗi cực nhọc của họ”. Kaiwo Maru II có lương thực, điện, nước và giường ngủ, tuy không tiện nghi bằng khách sạn 3 sao nhưng có nệm ấm, chăn sạch để tiếp nhận mỗi lần khoảng 20 người.
Đợt kỹ sư đầu tiên của nhóm Fukushima 50 lên tàu vào ngày 21-3 gồm có 21 người. Họ có 2 đêm để nghỉ dưỡng trên tàu. Tất cả được vận chuyển bằng xe 7 chỗ từ Nhà máy Fukushima 1 đến cảng Onahama, thần sắc nhợt nhạt, mặt mày hốc hác sau 10 ngày chạy đua với thời gian cố gắng tái lập trật tự vốn có của các tòa nhà chứa lò phản ứng từng bị cháy nổ làm rò rỉ phóng xạ.
Không bia, rượu
Trước khi lên tàu, mọi người đều được nhân viên của tàu kiểm tra nồng độ phóng xạ bằng máy Geiger dưới sự giám sát của nhân viên TEPCO (Công ty Điện lực Tokyo). Những vật tùy thân của họ cũng được kiểm tra kỹ càng.
Đi theo nhóm Fukushima 50 này, theo nhật báo Mainichi Daily News, có khoảng một chục phóng viên báo viết và đài truyền hình trong và ngoài nước. Họ được lên tàu nhưng không được vào nơi ăn ngủ và nghỉ dưỡng của nhóm Fukushima 50.
Các phóng viên tích cực hỏi han những người mà họ vinh danh là “Samurai” (võ sĩ đạo), “Ninja đương đại”, “Đội quân cảm tử” nhưng đa số người hùng ở Fukushima 1 đều né tránh. Chỉ có một vài thuyền viên kể chuyện với giọng thán phục.
Một thuyền viên nói với phóng viên tờ Mainichi Daily News: “Bữa ăn tối trong ngày đầu tiên gồm có cơm cà ri nóng sốt và rau trộn tươi ngon. Vì trong suốt thời gian làm việc ở nhà máy chỉ ăn gạo sấy và thịt hộp nên họ ăn rất ngon lành”.
Kiểm tra phóng xạ trên người và túi cá nhân của hai kỹ sư trong đợt đầu tiên lên tàu Kaiwo Maru II nghỉ dưỡng. Ảnh: Digital Life
Ăn xong, một số đọc truyện tranh và tạp chí, xem truyền hình hoặc lướt internet, gửi email cho người thân. Một số khác tắm nước nóng, tranh thủ điện đàm với vợ con hoặc cha mẹ, điều mà họ không thể làm trong 10 ngày ở nhà máy. Họ trấn an tinh thần những người thân mặc dù biết rõ tình hình càng ngày càng nghiêm trọng.
Tất cả làm những công việc nói trên một cách lặng lẽ khác thường. Ông Toya kể lại: “Hình như không ai chịu thư giãn cả. Họ im lặng ngồi ăn, không ai nói chuyện với ai. Chúng tôi mời họ uống bia nhưng không ai muốn uống”.
Phóng viên tuần báo Pháp Paris-Match suy đoán: “Không ai muốn say vì phải nhanh chóng trở lại thuần phục “con quái vật” hạt nhân. Tự mình buông thả sẽ khiến cuộc chiến cứu các lò phản ứng trở nên khó khăn hơn, khủng khiếp hơn”.
Không lay chuyển
Qua đêm thứ hai, một số người bắt đầu chịu nói chuyện. Kỹ sư Kenji Kawada, 52 tuổi, có 30 năm thâm niên ở TEPCO, cho biết: Tình hình đã khá hơn. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm vơi đi nỗi đau của nhân dân Nhật càng sớm càng tốt”.
Không chỉ ông Kawada có một niềm tin và sự lạc quan không gì lay chuyển. Theo phóng viên Takahiko Hyuga làm việc cho hãng tin Bloomberg, tất cả mọi thành viên của Fukushima 50 đều có một niềm tin như thế. Nếu có ai hỏi, họ khẳng định rằng tình hình ở nhà máy tiến triển tích cực và họ luôn luôn lạc quan.
Ngày 23-3, sau 2 ngày đêm nghỉ dưỡng, tốp 21 người hùng đầu tiên đến với Kaiwo Maru II trở lại tiếp tục công việc ứng cứu các lò phản ứng. Khi ông Kawada xuất hiện trên đầu cầu ván từ trên tàu bước xuống, các thuyền viên đứng dưới đất vỗ tay hoan hô và giơ tay vẫy chào cho đến khi ông Kawada chui vào chiếc Nissan 7 chỗ chạy trở lại Nhà máy Fukushima 1.
Bình luận (0)