Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực (REO) mới nhất được công bố hôm 23-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế châu Á tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến. Theo IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Á nhiều khả năng chỉ đạt 5% trong năm 2019 và 5,1% trong năm 2020 - thấp hơn lần lượt 0,4 điểm phần trăm và 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.
Đáng chú ý, IMF cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 6,1% trong năm nay và 5,8% trong năm sau - so với mức 6,6% của năm 2018. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ năm nay nhiều khả năng chỉ đạt 6,1% - thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với năm ngoái. "Những rủi ro trong khu vực, bao gồm sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc, đã khiến rủi ro địa chính trị gia tăng" - IMF giải thích.
Trong số những nền kinh tế ở châu Á, Hồng Kông là nơi có tốc độ tăng trưởng chậm nhất khi chỉ đạt 0,3% trong năm 2019 và 1,5% trong năm 2020 - thấp hơn lần lượt 2,4 điểm phần trăm và 1,5 điểm phần trăm so với dự đoán ban đầu. Báo cáo của IMF còn chỉ ra rằng tình hình bất ổn gia tăng ở Hồng Kông là rủi ro hàng đầu đối với toàn khu vực.
"Khi tình hình chính trị - xã hội ở một nơi xấu đi, chẳng hạn như Hồng Kông… những quốc gia/vùng lãnh thổ khác trong và ngoài khu vực có thể chịu ảnh hưởng xấu về mặt kinh tế" - IMF nhận định, đồng thời cảnh báo kinh tế châu Á đang đối mặt với "tình trạng không chắc chắn về chính sách toàn cầu có thể kéo dài".
Một nông dân làm việc tại thị trấn Lâm Phần - Trung Quốc hôm 21-10. IMF dự báo kinh tế đang tăng trưởng chậm lại Ảnh: REUTERS
IMF cũng lưu ý rằng mặc dù quá trình hội nhập tài chính và thương mại mạnh mẽ của khu vực là một dấu hiệu kinh tế thành công, đây cũng có thể là nguồn cơn gây thách thức. Một rủi ro lớn đối với kinh tế châu Á là nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. "Mặc dù 2 phía đã đạt được thỏa thuận một phần hồi đầu tháng 10, quá trình đi đến các thỏa thuận thương mại bền vững vẫn đang đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn và kéo dài" - IMF cảnh báo, đồng thời khẳng định những sự trì trệ mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như hoạt động thương mại và đầu tư.
Tại châu Á, những sự trì trệ này có thể tạo nên các làn sóng di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Theo báo The Straits Times, quá trình này đã bắt đầu, với hơn 50 công ty - trong đó có các tên tuổi Apple, Samsung, Dell… - thông báo kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh rủi ro thuế quan.
Những rủi ro khác đối với kinh tế châu Á là giá dầu tăng do chuỗi cung cấp bị ảnh hưởng - điều từng xảy ra vào tháng rồi khi các nhà máy lọc dầu ở Ả Rập Saudi bị tấn công; sự leo thang căng thẳng thương chiến Hàn - Nhật gây ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng công nghệ; rủi ro chính trị xã hội tại những vùng lãnh thổ như Hồng Kông và Kashmir… có thể gây ra những hậu quả xấu về mặt kinh tế.
Để khắc phục suy thoái kinh tế, IMF cho rằng các nền kinh tế châu Á cần theo đuổi chính sách tiền tệ thích ứng. Về mặt trung hạn, IMF khuyên các quốc gia châu Á đặt nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và bao trùm thông qua quá trình hội nhập thương mại nhiều hơn nữa, kể cả dịch vụ. Cũng theo IMF, các nền kinh tế châu Á cần cải cách thị trường sản phẩm và lao động bằng nhiều biện pháp, trong đó có ban hành các chính sách ủng hộ cạnh tranh và nâng cao tay nghề.
Bình luận (0)