Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 29-4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết lãnh đạo Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản bất kỳ lúc nào.
Rào cản
Theo Nhà Xanh, Tổng thống Moon cho hay bản thân rất vui khi đóng vai trò trung gian hòa giải trong mối quan hệ Triều Tiên - Nhật Bản. Ông Moon cũng đã thảo luận về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt giữ tại Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un hôm 27-4. Đáp lại, ông Abe gửi lời cảm ơn đến tổng thống Hàn Quốc vì nỗ lực chân thành khi nêu vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt giữ với lãnh đạo Kim như đã hứa. Tuy nhiên, vấn đề này được cho là nhiều khả năng trở thành rào cản đối với bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Tokyo và Bình Nhưỡng. Tokyo khẳng định 17 công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980. Năm người trong số đó được trả tự do vào năm 2002 nhưng phía Triều Tiên cho hay 8 người đã chết và 4 người còn lại chưa bao giờ bước vào lãnh thổ nước này.
Trong ngày 28-4, Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump cũng có một cuộc điện đàm kéo dài 30 phút, trong đó hai bên nhất trí về tầm quan trọng của các bước cụ thể đối với việc phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Về phía Mỹ, ông Trump cho rằng cuộc gặp giữa ông và lãnh đạo Kim có thể dẫn đến "thỏa thuận tuyệt vời cho thế giới". Thế nhưng, phía Tokyo tỏ ra lo lắng về khả năng ông chủ Nhà Trắng đạt được thỏa thuận giảm thiểu rủi ro một cuộc tấn công hướng đến lãnh thổ Mỹ nhưng lại không giải quyết được vấn đề các tên lửa tầm ngắn có thể vươn tới Nhật Bản. Ông Trump dự kiến sẽ nêu vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt giữ với lãnh đạo Kim trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp tới đây nhưng trọng tâm cuộc thảo luận vẫn là chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận đơn kiến nghị của ông Shigeo Iizuka (giữa), Trưởng nhóm của các gia đình có người thân bị Triều Tiên bắt giữ. Ảnh: REUTERS
Ưu tiên khác nhau
Bà Mieko Nakabayashi, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Nhật tại Trường ĐH Waseda (Nhật Bản), nhận định Tokyo đang "theo dõi cẩn thận" xem liệu Tổng thống Donald Trump có theo đuổi mục tiêu thúc giục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hay bị cuốn vào thỏa thuận linh hoạt khác dựa trên những cân nhắc về chính trị nội bộ Mỹ hay không.
Khó có thể phủ nhận việc Nhật Bản, đồng minh thân cận của Washington và là nơi đồn trú của 54.000 binh sĩ Mỹ, bị gạt sang bên lề kể từ khi lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu nỗ lực cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản từ lâu đã nằm trong tầm bắn của vũ khí Triều Tiên. Tên lửa đạn đạo Nodong của Triều Tiên có tầm bắn tối đa khoảng 1.287 km và có thể vươn tới Nhật Bản trong vòng 10 phút, theo ông Narushige Michishita, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chính sách Nhật Bản.
Trong một diễn biến gây nhiều chú ý khác, Nhà Xanh hôm 29-4 cho biết ông Kim Jong-un khẳng định sẽ chỉnh đồng hồ trên toàn quốc sớm hơn 30 phút để đồng nhất với múi giờ của Hàn Quốc nhằm thể hiện động thái "thống nhất" liên Triều sau hội nghị thượng đỉnh hồi cuối tuần qua. Theo lời người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan, ông Kim đã chia sẻ rằng ông cảm thấy đau lòng khi thấy 2 chiếc đồng hồ treo tường trong phòng họp thượng đỉnh chỉ 2 giờ khác nhau ở 2 đất nước láng giềng.
Thêm vào đó, Triều Tiên cam kết đóng cửa bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri trong tháng 5 và mời các chuyên gia Mỹ cũng như Hàn Quốc đến nước này kiểm tra. Trang The South China Morning Post trước đó cho biết các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ngọn núi Mantap tại bãi thử Punggye-ri đã sụp đổ, dẫn đến nguy cơ Trung Quốc và các nước lân cận đối mặt với việc nhiễm phóng xạ chưa từng có.
Đòn bẩy suy yếu
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng tung hô tính chất lịch sử của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm 27-4. Thế nhưng, những hình ảnh ấm áp và hứa hẹn hòa bình của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thực ra đang khiến nhiệm vụ của ông chủ Nhà Trắng phức tạp trong cuộc gặp sắp tới với nhà lãnh đạo trẻ của Bình Nhưỡng.
Theo The New York Times, những lời lẽ về hòa bình giữa hai nhà lãnh đạo liên Triều mà không hề có thời gian hay quá trình cụ thể dường như làm suy yếu 2 đòn bẩy Tổng thống Trump đã dùng để gây sức ép ông Kim tới bàn mặc cả. Giới phân tích nói rằng sự nối lại trao đổi ngoại giao thường xuyên giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hẳn sẽ làm xói mòn các trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên trong khi ông Trump sẽ khó lòng lớn tiếng đe dọa hành động quân sự với một nước đang đưa ra nhành ô liu.
Hôm 28-4, chia sẻ trên Twitter sau khi điện đàm với Tổng thống Moon về cuộc họp thượng đỉnh sắp tới với ông Kim Jong-un, ông Trump cho biết cuộc gặp này sẽ diễn ra vào 3-4 tuần tới, đồng thời khẳng định "mọi chuyện đang tiến triển rất thuận lợi". Không lâu sau đó, tại chiến dịch vận động ở Michigan, tổng thống Mỹ nói với người ủng hộ đang hô vang kêu gọi giải Nobel Hòa bình dành cho ông, rằng ông thực sự xứng đáng được công nhận cho sự thành công của cuộc gặp liên Triều.
Tuy nhiên, nếu thất bại trong cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên, cái giá sẽ rất cay đắng đối với Mỹ. Washington có thể đối mặt sự rạn nứt với đồng minh Hàn Quốc - vốn đang đặt rất nhiều tâm huyết vào canh bạc hàn gắn với Triều Tiên. Thêm vào đó, căng thẳng còn có thể bùng phát với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Triều Tiên.
Đỗ Quyên
Bình luận (0)