Theo báo Sunday Times (Anh), hàng ngàn đại biểu dự kiến đến Bình Nhưỡng tham dự đại hội đảng. Do đó, tất cả hôn lễ và đám ma đều bị hủy vì lý do an ninh. Đây là đại hội đảng Lao động đầu tiên được tổ chức tại Triều Tiên trong 36 năm qua.
Lực lượng an ninh ở các tỉnh trên khắp cả nước được điều động đến thủ đô Bình Nhưỡng. Tại đại hội (có thể kéo dài 4-5 ngày), ông Kim dự kiến củng cố vai trò lãnh đạo của mình và ca ngợi những vụ thử hạt nhân và tên lửa gần đây của Triều Tiên.
Trong khi đó, hôm 2-5, Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ công dân nước này bị Bình Nhưỡng bắt cóc nhằm trả đũa vụ đào tẩu của 13 nhân viên Triều Tiên tại một nhà hàng ở Trung Quốc. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết các phái bộ ngoại giao ở nước ngoài đã được thông báo để nâng cao cảnh giác.
Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee cho hay: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ nhiều khả năng, trong đó có bắt cóc và khủng bố. Chúng tôi đang cố đảm bảo an toàn cho công dân của mình”.
Theo nhật báo Hankook Ilbo (Hàn Quốc), Triều Tiên đang âm mưu bắt cóc người Hàn Quốc để đổi lấy 13 người đào thoát. Tờ báo trích dẫn nguồn tin thông thạo các vấn đề Triều Tiên: “Họ đặt mục tiêu khoảng 120 người, trong đó có người Hàn Quốc sống ở nước ngoài, binh sĩ và quan chức”.
Trong nhiều thập kỷ qua, gần 30.000 người Triều Tiên đã bỏ quê nhà đến sinh sống tại miền Nam. Tuy nhiên, rất hiếm có trường hợp đào tẩu tập thể, đặc biệt là với nhân viên Triều Tiên ở các nhà hàng nước ngoài bởi họ thường được lựa chọn kỹ lưỡng từ những gia đình "trung thành" với chính quyền Bình Nhưỡng.
Hồi tháng trước, 13 nhân viên của nhà hàng Triều Tiên tại TP Ningbo, Trung Quốc đã đào tẩu sang Hàn Quốc. Seoul cho rằng những người này tự nguyện bỏ trốn trong khi Bình Nhưỡng cáo buộc điệp viên Hàn Quốc lừa họ đào tẩu.
Triều Tiên cũng đã đề nghị đưa gia đình của các nhân viên đào tẩu đến Seoul để họ được gặp con gái, đồng thời công bố đoạn video các bậc cha mẹ khóc lóc đòi Hàn Quốc trả người.
Người chuyên giúp người đào tẩu Triều Tiên tử vong
Ông Han Choong-ryul, một linh mục chuyên giúp đỡ người Triều Tiên đào tẩu, đã chết tại một thị trấn phía Đông Bắc Trung Quốc gần biên giới Triều Tiên hôm 30-4. Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng cơ quan an ninh Bình Nhưỡng có thể đã nhúng tay vào vụ này trong khi cảnh sát Trung Quốc đang điều tra.
Ông Han, người gốc Triều Tiên nhưng mang quốc tịch Trung Quốc, là linh mục tại nhà thờ Trường Bạch, tỉnh Cát Lâm. Các nguồn tin nói với báo Telegraph rằng điện thoại của ông Han đã bị mất và điều này có thể khiến những người đào tẩu cũng như những người giúp đỡ họ gặp nguy hiểm.
Theo các nhóm nhân quyền, các nhân viên an ninh Triều Tiên thường xuyên qua biên giới Trung Quốc để tìm kiếm những người đào tẩu với sự hỗ trợ ngầm của các quan chức Bắc Kinh.
An ninh biên giới với Trung Quốc được tăng cường kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Việc giúp người đào tẩu ở phía Đông Bắc Trung Quốc trở nên nguy hiểm khiến nhiều nhóm đã dừng hoạt động và những người muốn trốn khỏi Triều Tiên lưỡng lự trước giá cả tăng cao. Người môi giới sẽ thu khoảng 10.000 USD/ người để giúp đưa những người đào tẩu khỏi Triều Tiên và thêm 3.500 USD nếu muốn rời xa biên giới Trung Quốc.
Bình luận (0)