Điều này củng cố cho suy đoán rằng Bắc Kinh không gửi phái đoàn đến Bình Nhưỡng dù là đồng minh hàng đầu của nước này. .
Một nguồn tin giấu tên cho hay: “Không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Trung Quốc chuẩn bị gửi phái đoàn đến tham dự đại hội đảng của Triều Tiên. Ngoài ra, có vẻ như Triều Tiên không mời bất cứ phái đoàn quốc tế nào đến tham dự. Trung Quốc dường như cũng không được mời".
Hồi tuần trước, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hoa Xuân Oánh – né tránh các câu hỏi liên quan đến việc gửi phái đoàn đến Triều Tiên dự đại hội đảng lần đầu tiên trong 36 năm qua. Thay vào đó, bà Hoa chỉ nói chung chung rằng đại hội đảng “là một sự kiện quan trọng của Triều Tiên và chúng tôi hy vọng nó sẽ thành công”.
Trước đây, Trung Quốc từng cử phó thủ tướng đến tham dự đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào năm 1980.
Triều Tiên dự kiến tổ chức đại hội đảng vào ngày 6-5. Ảnh: AP
Triều Tiên đang đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt nặng nề của cộng đồng quốc tế kể từ đầu tháng 3 sau khi liên tục phóng tên lửa và thử hạt nhân.
Mối quan hệ chính trị Trung – Triều cũng trở nên “lạnh nhạt” vì tham vọng theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Đại hội đảng sắp tới của Triều Tiên dự kiến diễn ra vào ngày 6-5, được xem là dịp biểu dương sự thống nhất dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un.
Theo phỏng đoán của nhiều người, ông Kim sẽ dùng đại hội lần này để củng cố quyền lực và thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân cùng lúc.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh chụp hôm 28-4 cho thấy các hoạt động ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên vẫn đang diễn ra, theo trang web 38 North của Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn (Mỹ). Nhiều người lo ngại Triều Tiên sẽ thử hạt nhân lần thứ 5 trước đại hội đảng của nước này.
Vụ thử đáng ngờ
Các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc hôm 1-5 cho rằng vụ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) của Triều Tiên hôm 23-4 đã thất bại, chứ không phải thành công như báo chí Bình Nhưỡng khẳng định.
"Tên lửa chỉ bay được khoảng 30 km rồi nổ tung" - một nguồn tin nói và cho biết thêm 30 km là quá khiêm tốn so với tầm bắn tối thiểu của SLBM (khoảng 300 km).
Một nguồn tin khác nói với Yonhap rằng nhiều khả năng giới tướng lĩnh và giới nghiên cứu tên lửa Triều Tiên đã trình báo cáo giả cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong vòng 2 tháng qua, Triều Tiên đã thất bại trong 4 lần phóng tên lửa đạn đạo. Ngày 18-3, nước này bắn 2 tên lửa Rodong, một trong số đó nổ tung trên không. Ngày 15-4, tên lửa tầm trung Musudan chịu chung số phận.
Ngày 28-4, Triều Tiên phóng tiếp 2 quả Musudan nhưng 1 quả rơi xuống biển, còn quả kia tiếp tục nổ không lâu sau khi rời bệ phóng.
Bình luận (0)