Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 18-9 kêu gọi các bên liên quan "có trách nhiệm" trong cuộc đàm phán hạt nhân Triều Tiên và không làm căng thẳng leo thang, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng “phản ứng giận dữ” nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân.
Phát biểu của ông Vương Nghị được đưa ra sau khi Triều Tiên tuyên bố kế hoạch phóng vệ tinh và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân.
Đã có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao Động vào ngày 10-10 bằng cách phóng một vệ tinh nhân tạo.
Các quan chức Triều Tiên cũng đã thông báo sẽ khởi động lại các nhà máy năng lượng hạt nhân, một động thái cho thấy có thể Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc thử hạt nhân thứ tư.
Cả 2 hoạt động này đều sẽ vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Trong đó, việc phóng vệ tinh cũng bị coi là vi phạm vì để phóng được vệ tinh cần phải có công nghệ tên lửa, mà công nghệ này lại có thể được sử dụng để phát triển tên lửa tầm xa.
Trong vụ thử hạt nhân gần nhất của Triều Tiên vào đầu năm 2013, Trung Quốc không phản ứng gay gắt mà chỉ gia nhập vào cộng đồng quốc tế để lên án động thái đó, cho triệu tập Đại sứ Triều Tiên để tỏ ý phản đối và giảm nhẹ mật độ giao dịch hàng hóa qua biên giới 2 nước.
Tuy nhiên, nếu Triều Tiên tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa nào, Trung Quốc rất có thể sẽ thực hiện các lệnh trừng phạt “mạnh tay hơn”.
Quan hệ Trung - Triều vốn không còn thuận thảo như dưới thời các nhà lãnh đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il. Nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong-un vẫn chưa có chuyến thăm Trung Quốc nào kể từ lúc lên nắm quyền cũng như không tiếp bất kỳ lãnh đạo cấp cao nào từ Bắc Kinh sang Bình Nhưỡng. Vừa rồi, ông Kim Jong-un cũng không dự cuộc duyệt binh của Trung Quốc, chỉ cử quan chức sang.
Phó Soái Triều Tiên Choe Ryong Hae bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh tư liệu: AP
Ông Zhang Liangui, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên của Viện nghiên cứu đào tạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Bắc Kinh nhận định: “Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ (việc thử hạt nhân hay phóng vệ tinh) và chắc chắn sẽ áp dụng đúng nghị quyết Liên Hiệp Quốc một cách cương quyết”.
Một số chuyên gia Trung Quốc khác cũng cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ đơn phương cắt giảm thương mại qua biên giới. Biện pháp này nhằm vào các mặt hàng nguyên liệu và mặt hàng cao cấp mà ông Kim Jong Un cần để duy trì nền kinh tế èo uột của Triều Tiên và đảm bảo sự trung thành của những người ủng hộ chế độ.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang cân nhắc tăng cường quân đội đóng tại đường biên giới giáp Triều Tiên dài 1420 km của mình. Hồi tháng trước, khi Triều Tiên xung đột Hàn Quốc, cũng đã có những tin đồn Trung Quốc tăng quân số tại biên giới giáp Triều Tiên.
Ông Lu Chao, chuyên gia về Triều Tiên tại Học viện Khoa học xã hội tỉnh Liêu Ninh (giáp biên giới Triều Tiên) nhận định: “Điều quan trọng nhất là quan hệ giữa 2 Đảng cầm quyền và nhân dân 2 nước sẽ tổn hại nặng nề nếu Triều Tiên thử hạt nhân bất chấp lập trường của Trung Quốc.
Theo ông Lu, động thái đó sẽ khiến Triều Tiên càng bị cô lập trên trường quốc tế bởi Trung Quốc sẽ không còn lên tiếng ủng hộ Triều Tiên trong các hội nghị, diễn đàn quốc tế.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng áp dụng các biện pháp đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Triều Tiên, dù rằng Bắc Kinh muốn thúc đẩy Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích hạt nhân và tập trung cải tổ nền kinh tế đang kiệt quệ.
Ông Jingdong Yuan, chuyên gia nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương tại trường Đại học Sydney của Úc đánh giá rằng Trung Quốc cũng e ngại nếu chế độ cầm quyền tại Triều Tiên sụp đổ, những làn sóng người tị nạn sẽ lập tức tràn qua biên giới Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không vội cắt giảm mạnh việc viện trợ lương thực và nhu yếu phẩm hằng ngày cho Triều Tiên.
Các chuyên gia nhận định rằng rất khó để dự đoán và đánh giá tác động của những biện pháp trừng phạt đơn phương mà Trung Quốc áp dụng lên Triều Tiên, nhưng hầu hết đều đồng tình rằng những hiệu quả đạt được sẽ rất hạn chế.
Chuyên gia Zhang Liangui của Viện nghiên cứu đào tạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Bắc Kinh nhận định: “Kết luận chung là những tác động của Bắc Kinh đến chính sách phát triển hạt nhân của Triều Tiên sẽ chỉ từ mức không đáng kể đến vừa phải. Hiển nhiên là các biện pháp trừng phạt chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống và việc ra quyết định của những nhà lãnh đạo của họ. Họ nghĩ rằng thậm chí lập trường cứng rắn của Trung Quốc cũng không thể ảnh hưởng đến sự ổn định hệ thống của họ nên họ chẳng quan tâm”- ông Zhang nhận định.
Tuy vậy, theo ông Lu Chao, Bắc Kinh cũng đang hy vọng ít nhất cũng gây được sự e ngại cho Chính phủ Triều Tiên.
“Khi cân nhắc mặt lợi và hại, đặc biệt là với nguy cơ từ những lệnh trừng phạt kinh tế nặng tay của Trung Quốc, chính quyền của họ có thể phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động” – ông Lu nói.
Bình luận (0)