Theo giới phân tích, Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ quyết tâm thúc đẩy và năng lực tiến hành các vụ thử tên lửa, hạt nhân bất chấp những biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Trước đó, có thông tin Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới trong tháng này.
Ngoài ra, theo AP, Triều Tiên có thể sử dụng vụ phóng tên lửa để nói với thế giới rằng họ sẽ không lùi bước trước sức ép đang tăng của chính quyền ông Trump.
Vài giờ trước vụ phóng tên lửa, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói với các phóng viên rằng thời gian dành cho nỗ lực ngoại giao nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên đang cạn dần và hành động quân sự có thể là lựa chọn cần thiết. Sự kiên nhẫn của ông Trump dường như cũng không còn, thể hiện qua cảnh báo sẵn sàng hành động để kiềm chế tham vọng của Bình Nhưỡng dù Trung Quốc có tham gia hay không.
Đáng chú ý là phản ứng ngắn gọn, chỉ 23 từ, của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về hành động khiêu khích mới nhất của Triều Tiên, trong đó có câu nói “Mỹ đã nói đủ về Triều Tiên”. Nếu dựa vào những phát biểu cứng rắn nói trên của ông chủ Nhà Trắng, có thể hiểu ông Tillerson có ý cảnh báo giờ là lúc hành động. Nếu đúng thế thì tuyên bố quá tiết kiệm câu chữ của ông không giúp thế giới biết được Washington chính xác sẽ làm những gì.
Dù vậy, giới chức Mỹ sau đó buộc phải nói rõ rằng ông Tillerson chỉ muốn nói rằng Bộ Ngoại giao sẽ không đưa ra phản ứng đối với từng hành động khiêu khích của Triều Tiên nữa.
Cho dù ý định thật sự có là gì thì theo đài CNN, sự mơ hồ trong ngoại giao là một điều cực kỳ nguy hiểm và sự hiểu lầm có thể gây ra những sự cố quốc tế đáng tiếc, thậm chí là tệ hơn. Không có gì bảo đảm Triều Tiên và Trung Quốc không xem tuyên bố của ông Tillerson là một hành động khiêu khích.
Vì thế, tại các cuộc gặp với ông Tập Cận Bình trong ngày 6 và 7-4, ông Trump cần rõ ràng hơn về ý định hoặc mong muốn của Mỹ liên quan đến một trong những điểm nóng có thể đe dọa quan hệ Mỹ - Trung. Nhà lãnh đạo Mỹ nhiều khả năng thúc giục Trung Quốc tăng sức ép lên Triều Tiên.
Tuy nhiên, cái khó của Bắc Kinh là không thể gây sức ép bằng cách chấm dứt mọi hỗ trợ về kinh tế bởi điều này có nguy cơ làm nước láng giềng sụp đổ. Ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy (Úc), giải thích rằng với Trung Quốc, nỗi lo về một đồng minh có vũ khí hạt nhân không lớn bằng nguy cơ bất ổn ở sát biên giới mình.
Bình luận (0)