Theo bài báo đăng tải trên Reuters hôm 8-5, du khách đến Triều Tiên vào thời điểm này nhận thấy trong siêu thị bày bán rất nhiều mặt hàng sản xuất tại địa phương, từ kem đánh răng hương vị cà rốt cho đến pin năng lượng mặt trời.
Trong bối cảnh bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trừng phạt nặng tay hơn, Triều Tiên đang tiến hành chiến lược kép nhằm phát triển cả quân đội lẫn nền kinh tế.
Phần lớn các sản phẩm tiêu dùng ở Triều Tiên vẫn có xuất xứ từ nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Bình Nhưỡng đang nỗ lực sản xuất hàng nội địa để thay thế hàng nhập khẩu, tránh dòng tiền chảy ra bên ngoài cũng như củng cố ý thức hệ của người dân về tinh thần tự lực, tự cường.
Một cửa hàng tạp hóa ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: REUTERS
Bộ Thương mại Trung Quốc từ chối trả lời khi được hỏi kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Triều Tiên có bị giảm trong thời gian qua hay không.
Một số du khách tới Triều Tiên kể lại các công ty lớn như hãng hàng không Air Koryo và tập đoàn Naegohyang đều nỗ lực tìm cách đa dạng hóa sản phẩm hàng tiêu dùng bao gồm thuốc lá và quần áo thể thao.
Các dòng sản phẩm của Air Koryo được biết đến rộng rãi như thuốc lá, đồ uống có gas, dịch vụ taxi và trạm xăng. Còn Naegohyang khởi nghiệp là một nhà máy thuốc lá ở Bình Nhưỡng hiện cũng sản xuất cả bài tây, hàng điện tử và quần áo thể thao. Công ty thậm chí còn tài trợ cho một đội bóng đá nữ cùng tên.
Tại những cửa hàng tạp hóa ở địa phương, du khách nhìn thấy các kệ chứa đầy đồ uống, bánh quy và nhiều mặt hàng thực phẩm cơ bản khác. Có cả đồ hộp, cà phê, rượu, kem đánh răng, mỹ phẩm, xà phòng, xe đạp…, phần lớn được sản xuất trong nước.
Ông Andray Abrahamian, đại diện tập đoàn Choson Exchange (trụ sở ở Singapore), từng đào tạo nhân sự Triều Tiên về các kỹ năng kinh doanh, nói với Reuters: "Từ năm 2013, ông Kim Jong-un bắt đầu nói về sự cần thiết phải thay thế hàng nhập khẩu. Rõ ràng, ông ấy nhận ra rằng có quá nhiều sản phẩm được nhập từ Trung Quốc, từ cao cấp cho đến bình dân".
Triều Tiên đẩy mạnh sản xuất hàng nội địa để thay thế hàng nhập khẩu. Ảnh: REUTERS
Theo một thương gia giấu tên ở Đông Nam Á làm trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa vào Triều Tiên, người dân nước này ngày càng "tẩy chay" hàng hóa Trung Quốc vì nghĩ rằng chúng có chất lượng kém. Bắc Kinh những năm gần đây dính vào bê bối an toàn thực phẩm, trong đó có gạo và sữa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dù vậy, Triều Tiên vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc. Phần lớn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng nội địa ở Triều Tiên có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc được vận chuyển thông qua Trung Quốc.
Bình luận (0)