Thông tin trên, được một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Tổng thống Biden tiết lộ, đã làm dấy lên những câu hỏi liên quan đến việc ông chủ Nhà Trắng sẽ tiếp cận Triều Tiên như thế nào để xoa dịu căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của quốc gia này.
Vị này cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện nhiều nỗ lực kể từ giữa tháng 2, kể cả thông qua phái đoàn ngoại giao Triều Tiên ở Liên Hiệp Quốc, để tiếp cận Bình Nhưỡng nhưng họ vẫn chưa hồi đáp.
Chính quyền Tổng thống Biden đến giờ vẫn chưa tiết lộ nhiều về chính sách ứng phó Bình Nhưỡng, chỉ nói rằng họ đang đánh giá toàn diện những nỗ lực chưa từng có của cựu Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu trong một cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên hôm 10-2. Ảnh: Reuters
Những nỗ lực của cựu Tổng thống Trump, trong đó có hai lần thượng đỉnh Mỹ-Triều, không thể thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Theo quan chức giấu tên nêu trên, Washington và Bình Nhưỡng dường như không đối thoại trong hơn 1 năm, bao gồm giai đoạn cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump.
Vị này từ chối nhận định về tác động của trạng thái im lặng từ phía Triều Tiên đối với chính sách của chính quyền Tổng thống Biden.
Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Biden từng chỉ trích lãnh đạo Kim, đồng thời tuyên bố chỉ gặp mặt "với điều kiện ông ấy đồng ý cắt giảm năng lực hạt nhân".
Tổng thống Joe Biden tuyên bố chỉ gặp lãnh đạo Kim Jong-un nếu ông đồng ý cắt giảm năng lực hạt nhân. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington không loại trừ phương án áp lệnh trừng phạt bổ sung, phối hợp cùng đồng minh, buộc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Lệnh trừng phạt đến giờ cũng không thể ép lãnh đạo Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)