Nhiều thập kỷ trở lại đây, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Mỹ không ngừng gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn phớt lờ, tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân, tên lửa tốn kém.
Theo một báo cáo của LHQ, các biện pháp trừng phạt Triều Tiên đang ngày càng mở rộng về quy mô, phạm vi và sự phức tạp, tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển tên lửa và đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, các quốc gia thành viên LHQ lại đưa ra những biện pháp kiềm chế “không đầy đủ và không nhất quán” đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Trang Business Insider dẫn lời các chuyên gia cho biết thông qua mạng lưới công ty và những thủ thuật phức tạp, Bình Nhưỡng thu về một khoản tiền không nhỏ để tài trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Bên cạnh đó, một số quốc gia như Trung Quốc có lý do chính trị để chống đỡ cho chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không bị sụp đổ bằng các giao dịch thương mại.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa tại cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng hôm 15-4. Ảnh: Reuters
Một trong những cách thức mà Triều Tiên hay sử dụng là treo cờ của các nước khác trên những con tàu chở bộ phận tên lửa và thiết bị quân sự. Cách đây ít lâu, tàu Jie Shun vận chuyển thuốc nổ, treo cờ Campuchia, của Triều Tiên đã bị giữ lại ở Ai Cập.
Đối với những quốc gia nhỏ ở châu Á không đủ tiền mua vũ khí và trang thiết bị từ Trung Quốc cũng như không thể vượt qua được các quy định về vũ khí của Mỹ và châu Âu, Triều Tiên cung cấp cho họ các thiết bị giá rẻ và dễ tiếp cận.
Ngay cả khi kiếm được khoản tiền không nhỏ từ các hoạt động trên, Triều Tiên vấp phải khó khăn do các ngân hàng của nước này chịu tác động của lệnh trừng phạt từ phương Tây. Vì vậy, hoạt động chuyển tiền để tài trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trở thành một vấn đề nan giải.
Báo cáo của LHQ cho thấy Triều Tiên có một đội ngũ được đào tạo bài bản về cách thức chuyển tiền, con người, hàng hóa và vũ khí xuyên biên giới.
Báo cáo cũng tiết lộ Bình Nhưỡng còn lập công ty bình phong để phục vụ hoạt động chuyển tiền.
Hãng tin Reuters cho hay Triều Tiên sử dụng các địa chỉ cùng với tên giả, mục đích gây nhầm lẫn cho các quốc gia khi vô tình hợp tác với họ. Do cùng nói tiếng Hàn nên thương nhân Triều Tiên đôi khi lấy tên giống thương nhân Hàn Quốc. Nếu không xem xét kỹ lưỡng, những đối tác có thể vô tình làm việc với thương nhân Triều Tiên.
Phần lớn số tiền kiếm được từ việc “né lệnh trừng phạt” dường như được Triều Tiên đổ vào chương trình hạt nhân và tên lửa. Năm 2012, Triều Tiên được cho là chi 1,3 tỉ USD để mở rộng chương trình tên lửa đạn đạo.
Bình luận (0)