Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho hôm 21-9 nói rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) mạnh nhất từ trước đến nay ở Thái Bình Dương.
Lo tên lửa chệch hướng
Phát ngôn của ông Ri được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un tuyên bố ông đang cân nhắc hành động mạnh mẽ nhất nhằm đáp trả lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo đài CNN, nếu Bình Nhưỡng thực hiện lời đe dọa vốn đang khiến Nhật Bản lo ngại trước tiên này, đây sẽ là vũ khí hạt nhân đầu tiên bị kích nổ trong khí quyển trong nhiều thập kỷ qua. (Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm của Thụy Điển, lần cuối cùng là khi Trung Quốc kích nổ một vũ khí hạt nhân trên bầu trời Lop Nur, ở Tây Bắc nước này, vào năm 1980).
Có điều, liệu đất nước bí ẩn nhất thế giới có khả năng đó? Triều Tiên đã và đang làm việc không ngừng nghỉ để phát triển các tên lửa vươn tới Mỹ và các đồng minh cũng như thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa. Sau 6 vụ thử nghiệm hạt nhân và các vụ thử tên lửa liên tục, giới chuyên gia bên ngoài đều khó có thể phủ nhận Triều Tiên đã tiến gần khả năng nêu trên.
Khi được hỏi khi nào biết chắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân hay không, chuyên gia về không phổ biến vũ khí Jeffrey Lewis trả lời bằng một câu đùa ảm đạm: "Đó là khi ta thấy một luồng sáng khổng lồ". Cũng như phần lớn các chuyên gia khác, ông Lewis - đến từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury thuộc Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin (Mỹ) - thừa nhận người ta chỉ biết chắc khi Bình Nhưỡng ra tay.
Các máy bay B-1B, chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Mỹ và chiến đấu cơ F-15K của Hàn Quốc trong cuộc tập trận tại bán đảo Triều Tiên gần đây Ảnh: AP
Quân đội Mỹ đang hành xử theo giả định Triều Tiên đã sở hữu năng lực này. Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM), từng nhấn mạnh ông phải coi những đe dọa từ ông Kim Jong-un là thật.
Về mặt giả thuyết, một vụ thử bom H có thể tiến hành bằng cách thả bom xuống biển bằng máy bay. Tuy nhiên, các nhà phân tích về Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng dường như sẽ chọn cách dùng tên lửa để thể hiện công nghệ mới nhất và phức tạp nhất của mình. Theo giáo sư khoa học chính trị Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Triều Tiên thử tên lửa hạt nhân sẽ là kịch bản tồi tệ nhất, đó không chỉ là hành động khiêu khích mà hậu quả có thể cực kỳ nguy hiểm nếu tên lửa chệch hướng.
Ngoài ra, vụ nổ từ cuộc thử nghiệm sẽ phá hủy và đầu độc toàn bộ cuộc sống đại dương, để lại hàng loạt hậu quả dai dẳng khó có thể tính toán đầy đủ. Thế giới tới nay vẫn chưa thể giải quyết được những tác động môi trường sau vụ thử vũ khí hạt nhân của Trung Quốc năm 1980. Trong khi đó, trên quần đảo Marshall, nơi Mỹ tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khí tương tự, cư dân địa phương phải gánh chịu những hậu quả nặng nề như tỉ lệ ung thư, rối loạn tuyến giáp tăng cao.
Lựa chọn nào cho Mỹ?
Tổng thống Donald Trump hôm 21-9 ký sắc lệnh hành pháp với các biện pháp nhằm cắt đứt các nguồn doanh thu được cho là đang nuôi dưỡng nỗ lực phát triển "những vũ khí chết chóc nhất đối với loài người của Triều Tiên". Ông chủ Nhà Trắng cũng từng đe dọa Bình Nhưỡng bằng "hỏa lực và cuồng nộ" trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo "đáp trả quân sự khổng lồ" sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần 6.
Tuy nhiên, các phân tích đều chỉ ra rằng không có lựa chọn quân sự nào từ Washington không dẫn tới sự trả đũa của Bình Nhưỡng nhằm vào Seoul. Vậy Mỹ còn phương án nào nếu muốn gây sức ép với Bình Nhưỡng bằng vũ lực?
Theo báo South China Morning Post, Mỹ có thể tăng cường triển khai quân sự trong khu vực nhằm tăng cường tính răn đe. Phương án này bao gồm việc đẩy mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, mở rộng hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời tái triển khai vũ khí hạt nhân tới 2 nước đồng minh Đông Bắc Á này.
Một phương án khác, theo các chuyên gia, là Mỹ có thể thực hiện các chiến dịch bí mật hoặc điều lực lượng đặc nhiệm tới Triều Tiên để nhắm trực tiếp vào ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, cách tiếp cận này được cho là rủi ro bởi rất nhiều yếu tố khó lường khi thực hiện một vụ ám sát, nhất là khi vây quanh nhà lãnh đạo họ Kim có hàng rào an ninh dày đặc.
Tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bằng tên lửa hoặc bom cũng có thể là lựa chọn của Washington. Tuy nhiên, phương án này cũng phức tạp bởi khó nắm bắt về năng lực quân sự của Bình Nhưỡng cũng như khả năng phản công và trả đũa của nước này.
Cuối cùng là giải pháp tấn công phủ đầu Triều Tiên. Thế nhưng, động thái này chắc chắn dẫn tới cái chết của hàng triệu người và sự tàn phá khủng khiếp không chỉ ở Triều Tiên mà còn các khu vực xung quanh bởi nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân và rò rỉ phóng xạ.
Bình luận (0)