Triều Tiên lại phóng tên lửa. Trong vòng 2 tuần kể từ khi tiến hành thử nghiệm điều mà Triều Tiên mô tả là một quả bom nhiệt hạch (bom H), quốc gia này tiếp tục phóng một quả tiên lửa đạn đạo tầm trung bay qua Nhật Bản.
So với quả tên lửa đầu tiên bắn qua Nhật Bản vào hôm 29-8, quả tên lửa hôm 15-9 của Triều Tiên bay cao hơn và xa hơn. Thực tế, vụ thử nghiệm tên lửa hôm 15-9 là vụ thử nghiệm đạt được phạm vi ấn tượng nhất. Quả tên lửa bay được quãng đường 3.700 km, vừa đủ để tấn công vùng lãnh thổ Guam của Mỹ.
Thực tế, Triều Tiên từng bắn tên lửa bay qua Nhật Bản vào những năm 1998, 2009, 2012 và 2016. Tuy nhiên, những lần bắn này chỉ nhằm đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Trong khi đó, hai quả tên lửa được thử nghiệm mới đây nhằm tấn công hạt nhân các mục tiêu ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
South China Morning Post (SCMP) nhận định hai quả tên lửa nêu trên, được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân, chính là một hành vi khiêu khích mới, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng trước đây từng đe dọa tấn công đảo Guam.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo Hwasong-12 hồi đầu tháng. Ảnh: Reuters
Các hành động của ông Kim Jong-un dù mang tính khiêu khích, song lại hợp lý và giúp cho bản thân ông lẫn các nhà khoa học Triều Tiên hiểu rõ hơn về những kỹ thuật quan trọng để từ đó cải thiện năng lực quốc phòng của Triều Tiên.
Về mặt kỹ thuật, những vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm cao cho phép Triều Tiên chứng minh khả năng của các tên lửa này trên quỹ đạo.
Vụ phóng hôm 15-9 cho thấy tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 được thử nghiệm với tầm bắn dường như là tối đa. Quãng đường bay 3.700 km không phải là một con số ngẫu nhiên. Nó chứng minh rằng Triều Tiên có khả năng tấn công đảo Guam.
Các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên còn nhằm chia rẽ Mỹ và đồng minh, theo SCMP. Bằng việc đưa TP Los Angeles và Chicago vào tình thế nguy hiểm, Triều Tiên khiến Mỹ thêm phần khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho các đồng minh ở khu vực Đông Á.
Hơn nữa, Triều Tiên từng nhiều lần kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc thay đổi tập trận nếu muốn các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng diễn ra chậm hơn hoặc là thậm chí là ngưng.
Với Nhật Bản, thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi đến là rõ ràng. Những động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng đang đặt Nhật Bản vào tình thế bị đe dọa trực tiếp vì Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở bán đảo Triều Tiên.
Với vụ thử nghiệm hôm 15-9, Triều Tiên muốn tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt mở rộng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể ngăn cản được tham vọng hạt nhân của họ.
Bằng cách gây sức ép lên đồng minh của Mỹ thông qua các vụ thử nghiệm tên lửa, Triều Tiên tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu cuối cùng đó là buộc Mỹ chấm dứt điều mà họ mô tả là "chính sách thù địch".
Chính sách thù địch này bao gồm việc Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở khu vực Đông Á cũng như mọi nỗ lực thúc đẩy LHQ tiến hành các biện pháp trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng hay các tín hiệu chiến lược của Washington ở Đông Nam Á, chẳng hạn việc sử dụng máy ném bom chiến lược B-1B Lancer.
Tuy nhiên, theo SCMP, kế hoạch của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không thành công, đặc biệt là khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng cứng rắn. Ông Donald Trump cùng các cố vấn luôn nhấn mạnh với Bình Nhưỡng rằng họ đã chuẩn bị "mọi phương án" đối phó, bao gồm sử dụng sức mạnh quân sự.
Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo và Mỹ tiếp tục đe dọa Bình Nhưỡng, nguy cơ xung đột hoàn toàn cho thể xảy ra.
Bình luận (0)