xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Triều Tiên lùi một bước?

XUÂN MAI

Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng dường như có ý định tận dụng Thế vận hội Mùa đông để giảm bớt sự cô lập ngoại giao

Triều Tiên hôm 8-2 cho phát sóng hình ảnh về cuộc diễu binh đánh dấu ngày thành lập quân đội ở thủ đô Bình Nhưỡng, một ngày trước khi Thế vận hội Mùa đông khai mạc tại nước láng giềng Hàn Quốc.

Diễu binh trong lặng lẽ

Hãng tin Yonhap dẫn lời các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho rằng cuộc diễu binh nói trên bắt đầu lúc 10 giờ (giờ địa phương) và kéo dài khoảng 90 phút, tức được rút ngắn về thời gian và nội dung so với sự kiện tương tự năm ngoái. Hàng chục ngàn người tập trung tại Quảng trường Kim Nhật Thành để xem buổi lễ có sự tham gia của 13.000 binh sĩ này. 

Một điểm đáng chú ý khác là sự kiện không được phát sóng trực tiếp trong lúc truyền thông quốc tế không được mời tham dự. Giới phân tích cho rằng những động thái này là nỗ lực ngăn buổi lễ trở thành tâm điểm chú ý, phủ bóng lên sự kiện thể thao khai mạc ở huyện Pyeongchang của láng giềng vào ngày 9-2. Trước đó, truyền thông Triều Tiên khẳng định cuộc diễu binh đã được lên kế hoạch từ trước và không liên quan đến Olympic Mùa đông.

Triều Tiên lùi một bước? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi cuộc diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 8-2 Ảnh: KCTV

Theo nội dung phát trên truyền hình - dường như được chỉnh sửa, bắt đầu bằng hình ảnh hàng trăm binh sĩ xuất hiện tại trong cuộc diễu binh. Đài truyền hình Triều Tiên cũng phát sóng hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham dự sự kiện cùng phu nhân Ri Sol-ju. Tuy nhiên, chi tiết về các loại vũ khí trong cuộc diễu binh không được công bố. Theo phân tích của giới chuyên gia Hàn Quốc, trong cuộc diễu binh mới nhất này có sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ nhưng không có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) nào.

Trong bài phát biểu, ông Kim nhận định cuộc diễu binh đánh dấu việc Triều Tiên nổi lên như một cường quốc quân sự toàn cầu dù đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tồi tệ nhất. Lãnh đạo Triều Tiên còn kêu gọi quân đội duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao độ với Mỹ nhưng không đưa ra bất kỳ bình luận nào về Olympic Mùa đông.

Cuộc diễu binh diễn ra trước thềm chuyến đi của cô Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đến Hàn Quốc dự lễ khai mạc Olympic. Là quan chức chủ chốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cô Kim nằm trong phái đoàn được dẫn đầu bởi Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam. Đây cũng là lần đầu tiên một thành viên của gia tộc họ Kim đặt chân đến nước láng giềng.

Mỹ cứng rắn

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên dường như có ý định tận dụng Thế vận hội Mùa đông để giảm bớt sự cô lập ngoại giao và làm suy yếu các biện pháp trừng phạt quốc tế. Họ dự đoán cô Kim có thể thay anh trai đưa ra thông điệp về mối quan hệ liên Triều và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Sejong (Hàn Quốc), nhìn nhận sự hiện diện của cô Kim rõ ràng chứng tỏ Bình Nhưỡng muốn tăng cường quan hệ và tìm kiếm khả năng hợp tác với Seoul.

Tổng thống Moon Jae-in từng bày tỏ hy vọng quan hệ liên Triều tốt hơn sẽ mở đường cho giải pháp về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng như cơ hội đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ. Tuy nhiên, hy vọng này xem ra còn xa vời khi Triều Tiên hôm 8-2 tuyên bố không quan tâm đến việc gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi ông tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông. "Chúng tôi không bao giờ xin đối thoại với Mỹ và sau này cũng thế. Chúng tôi không có ý định gặp phía Mỹ tại Hàn Quốc và không định sử dụng các sự kiện thể thao như công cụ chính trị" - ông Cho Yong-sam, Tổng Giám đốc Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nhấn mạnh.

Trước khi đến Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mỹ cảnh báo về những biện pháp trừng phạt hơn nữa: "Mỹ sẽ tiếp tục cô lập Triều Tiên cho đến khi họ từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân". Sự cứng rắn cũng đến từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 7-2 khi ông thông báo chiến lược hạt nhân mới của Lầu Năm Góc nhằm ngăn chặn Triều Tiên. Ông Mattis nói rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân nhỏ hơn sẽ cho phép Lầu Năm Góc đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân có giới hạn của Triều Tiên. 

Chỉ là phù du?

Dường như đã có bước đột phá khi Triều Tiên thông báo tham dự Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc trong tháng 2 này. Tuy nhiên, điều này không nói lên nhiều điều về triển vọng quan hệ lâu dài với phần còn lại của thế giới. Tại các Thế vận hội Mùa hè 2000 và 2004 cũng như Thế vận hội Mùa đông 2006, đoàn vận động viên 2 miền Nam - Bắc Triều Tiên cùng diễu hành dưới một lá cờ. Những dịp này được ca ngợi là bước đột phá mang tính lịch sử. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng và Seoul sau đó quay trở lại tình trạng căng thẳng, ngờ vực quen thuộc.

Theo tạp chí The Atlantic, việc Triều Tiên cử VĐV tranh tài tại sự kiện thể thao sắp tới chứa đựng nhiều dụng ý. Thứ nhất, nó có thể mang tính biểu tượng, một nỗ lực tuyên truyền của Triều Tiên nhằm gây thiện cảm đối với Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Dù vậy, tại cuộc gặp bí mật giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster và các quan chức Nhật Bản, Hàn Quốc ở TP San Francisco vào giữa tháng 1, tất cả đồng ý rằng việc 2 miền Triều Tiên nối lại liên lạc là hành động đánh lạc hướng.

Thứ hai, tuyên bố tham gia Thế vận hội Mùa đông 2018 có thể giúp xây dựng lòng tin giữa Seoul và Bình Nhưỡng cũng như lòng tin của người dân Hàn Quốc vào những ý định của Triều Tiên. Thứ ba, động thái trên có thể giúp hàn gắn mối quan hệ liên Triều dù những gì xảy ra trong quá khứ cho thấy kết quả có thể không nhiều. Những chính phủ Hàn Quốc theo đường lối tự do, như dưới thời đương kim Tổng thống Moon Jae-in, sẵn sàng xúc tiến liên lạc với Triều Tiên. Cuộc đối thoại này thường đóng băng khi giới lãnh đạo Seoul theo đường lối bảo thủ hơn.

Cuối cùng, việc Triều Tiên tham dự thế vận hội có thể không tác động nhiều đến nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhìn vào số phận của các ông Muammar Qaddafi ở Libya và Saddam Hussein ở Iraq, ông Kim Jong-un càng có lý do để duy trì vũ khí hủy diệt hàng loạt cho mục đích răn đe.

PHẠM NGHĨA

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo